“Trọn một con đường” là cuốn hồi ký của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên do tác giả Duy Tường thể hiện, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản năm 2012. Trong cuốn hồi ký này, vị tướng huyền thoại của tuyến có công lớn đối với con đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã hồi tưởng lại những tháng ngày chiến tranh, trong đó có những khoảng thời gian công tác trên mảnh đất Hà Tĩnh. Chúng tôi xin trích đăng một số nội dung trong cuốn hồi ký này để làm rõ hơn vai trò, vị trí của mặt trận Hà Tĩnh và các tuyến đường qua Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (phải) khi tham gia chỉ huy ở mặt trận miền Trung. Ảnh tư liệu
“Đầu năm 1965, đang là Tổng tham mưu phó, tôi được Bộ Chính trị cử vào làm Chính ủy Quân khu 4. Lúc này, chiến tranh không còn giới hạn ở Nam phần vĩ tuyến 17. Kể từ ngày 5/8/1964, ngày Mỹ cho máy bay ồ ạt đánh phá miền Bắc, lửa chiến tranh đã cháy rực trên cả hai miền. Hơn bất cứ nơi đâu trên miền Bắc, Khu 4 - rẻo đất tự bao đời lao đao bởi những thách đố, dữ dằn của thiên nhiên; bởi binh đao, giặc giã, nay lại vững vàng đứng nơi tuyến đầu cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhận quyết định trên giao, ngày 6/1/1965, tôi lên đường khi trời chưa tỏ mặt người… Tạm biệt Hà Nội thân thương, phố phường như còn ngái ngủ, mà nhịp sống đã trào lên những tín hiệu vội vàng của một ngày mới.
Dọc đường vào Khu 4, không khí chiến tranh như bức họa hiện dần bố cục, sắc màu. Những nòng pháo phòng không quấn lá ngụy trang vươn ngạo nghễ canh cầu Hàm Rồng, cầu Bùng, cầu Cấm... Những hầm hố cá nhân to nhỏ rải dọc ven đường.
Những bức tường nhà quét vôi trắng hôm nào, nay được phủ băng nhựa đường, bùn đất. Vinh - thủ phủ của Khu 4, thành phố giao thương trên bến dưới thuyền bình tĩnh, vững vàng trong dáng vóc một thành phố sẵn sàng đối mặt với kẻ thù. Người già trẻ nhỏ sơ tán ra vùng ven. Chợ họp sớm, tan nhanh. Những trận địa súng máy phòng không được cấu trúc rải rác trong thành phố. Trên nóc nhà cao tầng, thấp thoáng bóng dáng nam nữ tự vệ, bên những khẩu 12,7mm…
Từ mùa hè 1965, máy bay Mỹ đánh phá, chặn cắt dữ dội tuyến vận tải chiến lược Bắc - Nam, hình thành nhiều trọng điểm dọc theo trục đường số 1. Cầu Phủ, rú Nài - gần thị xã Hà Tĩnh là một trong những trọng điểm ác liệt nhất. Kẻ địch cũng rất tinh tường và xảo quyệt. Bởi lẽ, nơi đây ta bố trí một đài ra đa phòng không, hai tiểu đoàn cao xạ hỗn hợp gồm pháo 37mm và pháo 57mm bảo vệ cầu Phủ. Nhận được báo cáo địch quần đảo, săn diệt trận địa phòng không của ta, tôi cho rằng địch đang “say mồi”. Phải lấy độc trị độc! Chúng tôi xác định cần phải tăng cường hỏa lực, đồng thời phải làm tốt công tác nghi binh lừa địch, áp dụng chiến thuật phục kích trong tác chiến phòng không, tạo bí mật, bất ngờ để tiêu diệt địch. Ngay lập tức, chúng tôi chỉ đạo trung đoàn pháo phòng không chốt giữ nơi đây xây dựng thêm một số trận địa nghi binh - pháo được làm bằng thân cây phi lao sơn đen, ngụy trang chu đáo; còn trận địa thật được bố trí ở hướng đánh thuận lợi. Kết quả là kẻ địch đã mắc mưu.
Sau năm ngày chuẩn bị, ngày 16/8/1966, tôi cùng bộ máy Tổng cục Hậu cần tiền phương hết sức gọn nhẹ, do anh Đinh Thiện - Tham mưu trưởng Tổng cục phụ trách, lên đường vào Hà Tĩnh. Sở chỉ huy Tổng cục Hậu cần tiền phương đóng tại Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh. Tổng cục Hậu cần tiền phương có nhiệm vụ phụ trách bốn binh trạm vận tải từ nam sông Lam vào đến đặc khu Vĩnh Linh, tổ chức tiếp nhận hàng và bộ đội hành quân từ hậu phương miền Bắc vào, để giao cho Đoàn 559. Hương Đô nằm ở hữu ngạn sông Ngàn Sâu; vây bốn xung quanh là ba trọng điểm đánh phá ác liệt của địch: Lộc Yên, Khe Ác, La Khê. Chỉ huy sở của chúng tôi đóng cách trọng điểm Khe Ác chừng hai cây số, nằm trong vòng lượn của máy bay địch mỗi khi chúng oanh kích, nên suốt ngày đêm nghe ùng oàng, chát chúa tiếng đạn, bom.
Chúng tôi chọn đặt sở chỉ huy ở Hương Đô là chủ động giành yếu tố bất ngờ, gần đường vận tải, thuận tiện liên lạc và được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân địa phương giúp đỡ tận tình. Với vị thế “địa lợi”, “nhân hoà”, Hương Đô đã trở thành nơi đóng Sở chỉ huy của ba Bộ tư lệnh: Tổng cục Hậu cần tiền phương, Bộ tư lệnh Đoàn 500 và Bộ tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Thật là một vị trí hiếm có trong chiến tranh. Ngoài thế trận lòng dân, cái vị thế “địa lợi” của Hương Đô là tạo được sự bất ngờ đôi. Với kẻ địch, bảo đảm được an toàn trong suốt chiến tranh. Hiện nay, Hương Đô đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Trong khi lực lượng vệ binh được sự hỗ trợ của cấp dân quân, thanh niên địa phương, khẩn trương làm công sự cho sở chỉ huy, tôi cùng anh Đinh Thiện và anh em trong cơ quan xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tháng 9 và những tháng cuối năm 1966. Sau khi kế hoạch được chuẩn bị rập rạp về cơ bản, tôi bố trí anh Thiện ở nhà hoàn chỉnh tiếp, vừa chỉ đạo hoàn thiện việc xây dựng chỉ huy sở, còn tôi tranh thủ đi thực địa, làm việc với các binh trạm 9,12,14, 16 và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc khu Vĩnh Linh.
Cuối thu, vùng nam Quân khu 4 đã vào mùa mưa; những chỗ đường thấp rất lầy lội. Thời gian này, địch tập trung đánh phá giao thông, nhất là ban đêm; gây cho ta không ít khó khăn. Làm việc với chỉ huy Binh trạm 9 đóng ở ngã ba Lạc Thiện (Đức Thọ - Hà Tĩnh) - điểm giao giữa đường số 8 tỉnh lộ 15, Binh trạm trưởng báo cáo với chúng tôi hoạt động của binh trạm và tình hình đánh phá của địch. Trên địa bàn này có nhiều trọng điểm là: bến vượt sông tại Linh Cảm, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, Địa Lợi, Lộc Yên, Khe Ác, La Khê, Ka Tang...
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thăm lực lượng pháo cao xạ. Ảnh tư liệu
Ban ngày địch chủ yếu cho máy bay trinh sát, có kết hợp cường kích đánh phá. Cao điểm địch oanh tạc vào ban đêm, từ 7 giờ tối đên 3 giờ sáng. Thông thường, địch thả pháo sáng để phát hiện xe, phà của ta; kết hợp ném bom nổ ngay, nổ chậm, bom bi để sát thương, đuổi theo xe bắn rốc két. Điểm đánh phá tập trung là bến vượt sông, vượt suối, nơi đường qua chỗ trũng. Trọng điểm của trọng điểm là Địa Lợi - một điểm vượt sông khá hiểm. Ở đây sông hẹp, bờ sông gần như thẳng đứng, ngay gần bờ, nước cũng rất sâu. Khi bị địch đánh phá, ta rất khó khôi phục bến vượt. Do địch đánh rát, ta chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, nên trong tháng 7 và tháng 8, đường tắc hơn nửa thời gian. Xe đi rải rác, thưa thớt, tốc độ rất chậm. Mỗi đêm xe chạy được chừng 30 đến 40km. Xe bị cháy nhiều. Kế hoạch vận chuyển của binh trạm chỉ đạt già nửa.
Lực lượng bảo đảm giao thông chỉ có công nhân giao thông của Hà Tĩnh, thanh niên xung phong các xã trên địa bàn. Pháo phòng không vừa ít, vừa bố trí trận địa xa trọng điểm, xa đường trục, khó bảo vệ được mục tiêu. Bộ đội lái xe, lái xe quốc doanh cũng như lực lượng bảo đảm giao thông rất dũng cảm, kiên cường, bám xe, bám đường, xác định giữ gìn mạch máu giao thông như mạch máu của mình, nhưng rất ngại không hoàn thành nhiệm vụ.
Tìm hiểu sơ bộ tình hình, tôi cho đào mấy chiếc hầm cá nhân dưới chân một ngọn đồi, sát bến vượt Địa Lợi, để tôi cùng các anh chỉ huy binh trạm “nằm” lại đó theo dõi, nghiên cứu tình hình một ngày, một đêm.
Sau khi bám trọng điểm, nghiên cứu quy luật đánh phá của địch, kết hợp những thông tin do binh trạm cung cấp, tôi nhận thấy Địa Lợi là bến vượt mà nếu bị địch oanh tạc, ta khó lòng khôi phục nhanh. Tuy vậy, tôi bàn với Ban chỉ huy binh trạm nên tìm ra cái được trong cái mất. Từ tắc đường cả tuần phải quyết tạm đưa xuống tắc ngày, tiến tới chỉ tắc giờ... Giải pháp trước hết là phải bỏ lối xưa nếp cũ, không chấp nhận thế độc đạo phải chủ động mở thêm đường vòng, đường tránh, làm thêm từ hai đến ba bến vượt, có cự ly thích hợp; có bến nghi binh. Sông hẹp, nên làm cầu phao bằng tre, nứa... cầu phao cũng có cầu chính, cầu phụ, cầu dự bị, nghi binh... Tôi kết luận: Vấn đề đã tương đối rõ, không thể chần chừ, để tình trạng tắc đường kéo dài là binh trạm có tội với chiến trường.
Sau hơn chục ngày, Binh trạm 9 tập trung lực lượng thực thi giải pháp trên, tình hình đã cải thiện đáng kể. Bên vượt Địa Lợi từ chỗ tắc cả tuần, đã tiến tới xóa được tắc đêm, chỉ còn tắc giờ mà thôi. Tiếp đó, khi Quân khu 4 và Quân chủng Phòng không Không quân tăng cường pháo 37mm, 57mm đánh máy bay địch, bảo vệ yếu địa, ta xóa luôn tắc giờ. Bài học của Địa Lợi lần lượt được phổ biến cho các bến vượt khác.
Sau khi làm việc với Ban chỉ huy Binh trạm 9, tôi làm việc với các anh trong Tỉnh ủy, ủy ban hành chính tỉnh Hà Tĩnh. Nghe tôi trực tiếp báo cáo nhiệm vụ của Tổng cục Hậu cần tiền phương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất hoan nghênh. Bởi lẽ, tổ chức bảo đảm giao thông vận tải, chi viện chiến trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh lúc này. Tiếp đó, chúng tôi bàn bạc, thống nhất một số biện pháp về phòng không nhân dân, bảo đảm giao thông trên địa bàn tỉnh. Hà Tĩnh là một trong nhưng tỉnh rất tích cực về công tác bảo đảm giao thông của tuyến chi viện đi qua địa bàn. Lúc này, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giao thông vận tải, Hà Tĩnh đã mở được đường tranh 21A, nối từ Kỳ Anh qua Quảng Trạch - Quảng Bình; đường 21B từ Khe Giao qua phía nam huyện Tuyên Hóa nối vào Quảng Bình sát bờ sông Gianh, tạo thành một mạng lưới bổ trợ hiệu quả cho đường số 1 và đường 15.
Chia tay các anh lãnh đạo Hà Tĩnh, tôi theo đường 15 vào Binh trạm 12 đóng ở Khe Ve thuộc huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Binh trạm trưỏng là anh Nguyễn Đàm, Chính ủy binh trạm là Nguyễn Việt Phương. Binh trạm 12 phụ trách vận chuyển, giao liên... trên đường 12, từ Khe Ve đến Ba Na Phào và đường 15 từ Khe Ve đến Khe Gát, Xuân Sơn. Những trọng điểm địch đánh phá ác liệt nhất trên đường 12 là ngã ba Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, cổng Trời, Cha Lo, Mụ Giạ. Trên đường 15, địa đoạn do Binh trạm 12 đảm trách có các trọng điểm: Khe Rinh, đèo Đá Đẽo... Những địa danh dung dị, bình thường như bao tên xóm tên làng Việt Nam, chỉ qua hai năm không quân Mỹ đánh phá đã trở thành những nơi ghi dấu chồng chất tội ác của chúng; đồng thời chính tại những “tọa độ lửa” đó đã xuất hiện biết bao gương chiến đấu, hy sinh quả cảm của bộ đội, công nhân giao thông, thanh niên xung phong và đồng bào ta, vì sự sống của con đường ra tiền tuyến.
Trong “tập đoàn trọng điểm” kể trên có ba trọng điểm ở nơi địa hình hiểm trở nhất, bị đánh phá ngăn chặn quyết liệt nhất, đường bị tắc kéo dài. Điển hình là thung lũng Khe Rinh – trên đường 15, được mệnh danh là “túi bom” - là trọng điểm của trọng điểm. Nơi đây, đường băng qua một thung lũng rất hẹp, ở giữa có con suối chảy qua, cứ sau mỗi trận mưa, lại biến thành vũng lầy.
Gần như thành quy luật, cả ngày lẫn đêm, cách quãng chừng ba giờ, máy bay địch lại ném xuống Khe Rinh một đợt bom. Chúng ném kết hợp bom phá, bom sát thương, bom nổ ngay và nổ chậm, hẹn giờ. Hoạt động của ta và đối phương cũng không hẹn mà trở thành quy luật, nhưng phía chịu đòn là ta. Cứ sau một đợt đánh phá của máy bay địch, lực lượng bảo đảm giao thông của ta thường trực tại trọng điểm lại ào ra san lấp hố bom. Ta làm vừa xong, một vài chuyến xe vừa qua trót lọt, lại một đợt ném bom tiếp của địch; ta lại san lấp. Không khác gì cảnh “ném đá ao bèo”, “dã tràng xe cát”. Mặc dù sức lực, máu xương đổ ra vô kể mà đường tắc vẫn hoàn tắc.
Sau khi nghe Ban chỉ huy binh trạm báo cáo tổng hợp tình hình tôi nêu sơ bộ một số biện pháp, khăc phục ách tắc. Binh trạm trưởng Nguyễn Đàm và Chính ủy binh trạm Nguyễn Việt Phương mới nhận nhiệm vụ chưa được bốn tháng, là những cán bộ có dũng, có mưu; nhưng chưa đủ thời gian để đúc rút kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, tôi chủ định sẽ bàn thảo với các anh trên thực địa. Liền đó, tôi cùng anh Nguyễn Đàm xuống Khe Rinh, chọn một hang đá bên đường, ngồi ở đó suốt một ngày một đêm để quan sát hoạt động của cả ta và địch.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên động viên cán bộ chiến sỹ. Ảnh tư liệu.
Do yêu cầu tăng cường công tác chi viện chiến trường, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Tổng cục Hậu cần tiền phương, phạm vi đảm trách từ bờ nam sông Lam đến Vĩnh Linh, với nhiệm vụ:
- Tổ chức vận chuyển tạo chân hàng và tổ chức hành quân giao liên chuyển giao cho Bộ tư lệnh 559.
- Vận chuyển hàng hóa và tổ chức hành quân giao liên giao cho tỉnh Quảng Trị.
- Phối hợp với các tỉnh và Quân khu 4, bảo đảm giao thông, đánh địch trên không, trên biển, bảo đảm vận chuyển.
Về tình hình đánh phá, ngăn chặn của không quân và hải quân địch, qua khảo sát thực địa, tôi thấy địch đã nhằm đúng nơi địa hình hiểm yếu của ta - vùng cán xoong Khu 4; chúng đã tạo thành một “túi lửa”, một tuyến lửa nhằm chặn cắt tuyến chi viện chiến lược của ta ở khu vực này. Qua hai năm đương đầu với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với quy mô, cường độ vô cùng ác liệt, quân và dân Khu 4 đã chiến đấu dũng cảm ngoan cường, với hàng loạt khẩu hiệu hành động: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Tay cày, tay súng”... Và bước đầu chúng ta đã thu được kết quả trên mặt trận chiến đấu, sản xuất, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; đặc biệt là mặt trận giao thông vận tải, chi viện chiến trường.
Thắng lợi của ta đã làm cho địch ngày càng điên cuồng lồng lộn, tìm trăm phương nghìn kế thâm độc, đánh rộng ra cả miền Bắc, nhằm ngăn chặn hoạt động chi viện của hậu phương miền Bắc từ gốc. Riêng địa bàn nam Khu 4, địch đã hình thành từng trọng điểm đánh phá rất lợi hại, và trên thực tế đã gây cho ta không ít khó khăn, tổn thất, hạn chế hiệu quả hoạt động chi viện chiến trường. Đó là một thực tế. Vấn đề cơ bản là thực tế đó phải được phân tích một cách khoa học. Lúc này, trên toàn tuyến kể cả ba đường có chiều dài gần 300 cây số; tiềm lực của địch là rất lớn, nhưng chúng cũng chỉ có thể đánh trong cùng một lúc từ hai đến ba điểm, không thể đánh được tất cả các trọng điểm. Trong một ngày đêm, địch có thể đánh kéo dài nhiều giờ; nhưng không thể đánh 24/24 giờ. Địch đánh rát những ngày nắng, khô ráo, những ngày mưa không đánh được; đánh ban đêm cũng hạn chế, cho dù có pháo sáng, kể cả pháo hạm từ Biển Đông bắn vào cũng không chệch ra ngoài quy luật đó.
Như vậy, lúc đánh, lúc không; nơi đánh, nơi không; nơi đánh nhiều, nơi đánh ít... là quy luật đánh phá của địch. Cái mạnh của địch là chủ động, cơ động trên không, vũ khí, khí tài hiện đại; nhưng cái yếu cơ bản nhất là chúng không làm chủ được mặt đất. Trái lại, cái mạnh cơ bản của ta là làm chủ được mặt đất, chủ động tìm ra biện pháp, sử dụng quy luật hoạt động của địch để chống lại chúng có hiệu quả. Tư tưởng chỉ đạo của ta trong cuộc đối đầu với kẻ thù là: chủ động tiến công, chủ động phòng tránh, không phòng tránh đơn thuần, cam chịu may rủi.
Để thắng được địch trong cuộc đối đầu này, chúng ta phải giải quyết tốt một số vấn đề:
- Lực lượng làm công tác giao thông phải có đủ công sự, đảm bảo cự ly thích hợp, có chất lượng cho người, công sự cứu thương, công sự cho xe, máy; công sự cho phà, cho bộ đội hành quân dọc đường, nơi trú quân, nơi tác nghiệp bảo đảm giao thông. Đó là các biện pháp quyết định đảm bảo an toàn cho người làm chủ mặt đất; chứ không phải tìm nơi phòng tránh ở xa tuyến vận chuyển, xa trọng điểm mối an toàn.
- Phải tích cực ngụy trang những mục tiêu, khu vực, những cần ngụy trang; nhưng phải phù hợp vối thực tế của địa hình và vật cần ngụy trang. Phải liên tục nghi binh lừa địch. Tại những điểm quan trọng phải nghi binh thật tốt để thu hút địch.
- Với lực lượng đảm bảo giao thông, phải có bộ phận cơ động, có bộ phận mạnh được chuẩn bị chu đáo công sự chốt ở các trọng điểm, để ngay sau khi địch đánh phá là rời công sự, tác nghiệp ngay; đồng thời phải chủ động tập kết vật liệu gần trọng điểm để khắc phục ngay hậu quả đánh phá của địch. Sau khi san lấp xong những chỗ bị địch đánh phá, nên đổ đất đá thành từng đống rải rác để ngụy trang lừa địch. Những điểm đường vượt vùng trũng, sình lầy bị địch đánh phá, cho sửa chữa lại làm tuyến nghi binh, cần làm đường vòng, đường tránh men theo chân đồi, hay nơi đất cứng.
- Đường qua suối cần có từ hai đến ba bến ngầm có chất lượng, cự ly thích hợp. Ngầm nào đã lộ, chuyển thành mục tiêu nghi binh.
- Điểm vượt sông phải có từ hai đến ba bến phà, có bến nghi binh. Những sông nhỏ, nên dùng tre, gỗ... kết thành cầu phao; ban đêm bắc để xe pháo qua sông; ban ngày tháo cất; có cầu phao chính, cầu phao nghi binh.
- Hiện nay, mùa mưa đã đến. Hằng ngày, mây mù dày đặc, trần mây thấp; máy bay địch rất khó hoạt động. Đây là “thiên thời” cho phép ta hoạt động ban ngày; tổ chức vận chuyển với đội hình tập trung thích hợp. Muốn vậy, yêu cầu cấp thiết là phải “đá hóa” mặt đường những tuyến, những đoạn đường chưa rải đá; đảm bảo cầu, phà vượt sông, suối. Phạm vi Tổng cục Hậu cần tiền phương đảm trách hiện nay, trên cả ba tuyến: đường số 1, đường 15, đường 12, với trên 300 cây số, mới rải đá được hơn phân nửa. Còn lại, trên 130 cây số mặt đường cần rải đá.
Những tuyến, những quãng chưa rải đá, đa phần có dân hai bên đường. Đây là yếu tố “nhân hòa”. Đề nghị lấy lực lượng giao thông các tỉnh làm nòng cốt và huy động dân quân, nhân dân tại chỗ khai thác nguồn đá vôi vô tận hai bên đường để rải. Công nhân giao thông được chia ra từng xã, sử dụng thuốc nổ đánh đá hộc; nhân dân phân tán theo tuyến đường, có công sự bảo đảm, đập đá 4X6cm bằng thủ công. Quảng Bình huy động hai vạn người, Hà Tĩnh huy động một vạn người, trang bị đầy đủ búa đập, có tổ chức chỉ huy chặt chẽ, đảm bảo ăn ở tại địa phương. Lực lượng giao thông cùng một bộ phận dân quân đảm trách rải đá mặt đường, có đầm.
Chiến dịch “đá hóa mặt đường” được tổ chức thực hiện từ ngày 1/9/1966. Những nơi mặt đường yếu, cần tập trung cao hơn quyết tâm dứt điểm sớm. Lực lượng công binh tập trung giải quyết các bến vượt sông, suốỉ, với vật liệu khai thác, huy động tại chỗ là chính. Quân khu và Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ một số cầu phao.
Những nội dung tôi đề xuất được các đại biểu dự hội nghị nhất trí cao. Đại biểu các tỉnh, các đơn vị đều bày tỏ quyết tâm triển khai ngay, không thể chậm trễ. Về đánh địch trên không và pháo hạm trên biển, tôi đề nghị lực lượng phòng không, pháo binh bờ biển cả ba thứ quân có bước điều chỉnh lại thế trận, tập trung đánh địch ở các trọng điểm, bảo vệ cầu đường, bảo vệ đội hình xe vận tải, kết hợp cơ động đánh địch khi cần.
Về vận chuyển, bộ đội xe phải quân sự hóa, “chiến đấu hóa”; tổ chức vận chuyển đội hình lớn hay nhỏ tùy tình hình; nhưng dù quy mô nào cũng phải đi theo đội hình chiến dấu, có tổ chức chỉ huy. Xe phải ngụy trang, có vật liệu chống cháy, chống bom bi...
Bộ đội tranh thủ ngủ nghỉ vào ban ngày, nhưng cũng phải dành thời gian chuẩn bị về kỹ thuật... Tại các trọng điểm đánh phá của địch, phải có trạm chỉ huy xe hành quân; có công sự ngụy trang cho xe, cho người tiếp cận; đảm bảo đường, cầu, phà luôn luôn sẵn sàng cho xe vượt trọng điểm nhanh, cấp tập. Các lực lượng bảo đảm chiến đấu: thông tin, quân y, kích keo, sữa chữa kỹ thuật, cứu chữa hàng hóa... phải thường trực tại mặt đường, xử trí kịp thời những vấn đề nảy sinh; đặc biệt là các trọng điểm.
Tôi đề nghị ngay sau hội nghị này cần thành lập Ban chỉ đạo thống nhất, gồm các lực lượng: giao thông, phòng không, vận chuyển; nơi có điều kiện, mời đại diện chính quyền địa phương tham gia; lấy binh trạm làm chỉ huy sở. Đại biểu các tỉnh, các binh trạm tán thành và đánh giá cao những vấn đề được chúng tôi khái quát, đề xuất. Anh Việt Phương - Chính ủy Binh trạm 12, vốn là một nhân vật có tư duy khái quát, thường hay đi sâu phân tích những vấn đề cốt lõi, hoan hỉ nói: “Tại hội nghị này, Thủ trưởng Tổng cục đã mở rộng cửa cho chúng ta thấu hiểu. Vận dụng các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa vào các biện pháp, tình huống xử lý thiết thực. Phép dụng binh này, là cán bộ quân sự, ai cũng đã học, nhưng vận dụng vào thực tiễn không phải ai cũng làm được. Bởi điều đó còn phụ thuộc vào khả năng từng trải chiến đấu; phụ thuộc vào cái tâm, cái trí, cái dũng, cái mưu của mỗi con người”.
Anh Trần Quang Đạt - Giám đốc Ty Giao thông Hà Tĩnh, anh Lại Văn Ly - Giám đốc Ty Giao thông Quảng Bình bày tỏ: “Sử dụng sức mạnh nhân dân tại chỗ, chúng tôi cũng đã nhận thấy, nhưng để làm gì, làm như thế nào thì quả thật còn lúng túng. Nguyên nhân có thể là chưa có gan lớn như anh. Hôm nay, chúng tôi tiếp nhận ở hội nghị này không chỉ biện pháp thực hiện mà vấn đề cốt lõi, lớn lao hơn là quan điểm, tư tưởng về sức mạnh nhân dân, chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại. Rất thuận cho Ngành Giao thông hai tỉnh là hôm nay, hai đồng chí Phó chủ tịch tỉnh đến dự hội nghị, chắc chắn những gì đã thống nhất tại hội nghị sẽ được triển khai nhanh”.
Đai diện Bộ Tư lệnh Quân khu 4 khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí đề xuất của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương. Lực lượng phòng không ba thứ quân, pháo bờ biển phải lấy tư tưởng đánh tiêu diệt để bảo vệ mục tiêu. Mục tiêu chủ yếu lúc này là cầu, đường, xe vận tải..., phục vụ cho nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu vận chuyển chi viện chiến trường. Chúng tôi thật sự tâm đắc chủ trương phải có ban chỉ huy thống nhất ở những trọng điểm trên các tuyến đường trọng yếu; chỉ với ban chỉ huy thống nhất mới tạo được sự hiệp đồng chặt chẽ, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chung...”
Tiếp đó, nhiều đồng chí khác phát biểu bổ sung làm rõ thêm một số vấn đề. Hội nghị dự kiến tiến hành trong một ngày, nhưng chỉ tròn buổi sáng, hầu hết đại biểu đều thống nhất, vấn đề đã rõ ràng, không cần kéo dài; thời gian bây giờ dành cho triển khai thực hiện…
Sau bữa cơm trưa đạm bạc, các đại biểu chia tay nhau gấp gáp trở về đơn vị. Biết bao công việc đang chờ họ. Sáng ngày 1/9, mở màn chiến dịch “đá hóa” mặt đường. Cán bộ sở chỉ huy Tổng cục Hậu cần tiền phương chia nhau xuống các binh trạm, các khu vực làm đường. Tất cả đều phản ánh về: thời gian ra quân đúng; lực lượng đơn vị nào cũng vượt quy định; công tác chuẩn bị tốt nên lao động đạt năng suất, hiệu quả ngay từ đầu; một vài nơi thiếu búa đập đá, đang cho đi mua. Cán bộ giao thông các tỉnh tập huấn cách đập đá, rải đá, cách đầm ngay tại hiện trường. Cảm tưởng chung nhất là không khí trên các tuyến đường như ngày hội lớn.
Qua báo cáo từ các binh trạm, các tuyến, máy bay địch đã đánh trúng một số khu vực ta đang làm đường, nhưng do chuẩn bị công sự, hầm hào chu đáo, nên chỉ một vài người hy sinh, bị thương. Mặc dù có thương vong, nhưng không một ai dao động, tất cả vẫn bám đường, bám trọng điểm.
Toàn tuyến hình thành 14 mũi (cụm). Mũi cao nhất đảm trách rải 7 kilômét trong một tháng; mũi thấp nhất 4 kilômét; bình quân 5 kilômét. Tổng cộng một tháng toàn tuyến rải được 70 kilômét, mặt đường rộng trung bình 3,5 mét. Đến cuối tháng 9, cơ bản các đoạn lầy lội nặng đã được giải tỏa. Chỉ chờ có vậy, trung tuần tháng 9, vào những ngày trời nhiều mây, trần mây thấp, chúng tôi đã có thể tổ chức xe vận tải đội hình tiểu đội, trung đội thực tập chạy ban ngày an toàn. Cuối tháng 9, đội hình vận tải đã nâng lên quy mô đại đội.
Đang ở giai đoạn đầu, nên khó khăn chưa phải đã giải quyết được ngay một lúc. Gỡ được họa mặt đường lại vấp phải sông suối. Miền tây Hà Tĩnh, Quảng Bình sông suối lớn nhỏ chằng chịt. Gặp mưa to, nước dâng rất nhanh. Hết mưa, nước rút cũng nhanh. Để giải quyết tình trạng sông suối ngập gây ách tắc, chúng tôi chỉ đạo cho các binh trạm khảo sát phân loại; suối nhỏ bố trí công binh, công nhân giao thông trực thường xuyên, đảm bảo xe cứ đi. Với suối vừa và lớn, dùng rọ đá tôn cao ngầm, tranh thủ đi nhanh khi tạnh ráo và khi bắt đầu mưa. Khi nước suối lớn, phải dừng ngay và chuẩn bị sẵn sàng để khi nước xuống, tổ chức vượt cấp tập.
Tháng 10, chiến dịch “đá hóa mặt đường” vẫn tiếp tục, để hoàn thiện 130 kilômét cần rải. Nhưng với địa bàn nam Khu 4, tháng 10 rất sẵn mưa. Máy bay địch hạn chế hoạt động, ô tô vận chuyển ban ngày rất tốt, nhưng lại tắc về sông, suối. Không chịu bó tay, chúng tôi chỉ đạo các binh trạm tổ chức cho xe tiếp cận, phục kích, theo dõi, hễ nước xuống là cấp tập vượt. Thực tế cho thấy, tắc đường vì mưa cộng với đường xấu gây lầy lội thường kéo dài triền miên. Tắc suối vì mưa lũ xảy ra có ngày, có đợt. Với người làm giao thông vận tải, tắc suối dễ chịu hơn. Kế hoạch vận chuyển đạt cao hơn. Tuy vậy, các binh trạm chủ động tích cực tìm mọi biện pháp: nâng ngầm, làm đường tránh để hạn chế tắc suối. Riêng cầu phao bằng tre, nứa không chịu được khi lũ lớn, nước to, chảy xiết.
Cuối tháng 11, việc rải đá mặt đường cơ bản xong, chiến dịch “đá hóa mặt đường” kết thúc; chúng tôi quyết định chỉ giữ lại lực lượng giao thông, thanh niên xung phong, công binh để đảm bảo giao thông, gia cố mặt đường cấp phối, khắc phục những điểm tắc cục bộ.
Thời gian này mưa rào giảm, cũng đồng nghĩa với tình trạng thác đổ sông suối giảm; bắt đầu mùa mưa dầm. Suốt một dải miền Tây Khu 4, ngày ngày bầu trời xám xịt, trĩu mây... Đây là thời cơ thuận lợi cực lớn để tận dụng yếu tố “thiên thời”; sử dụng tối đa lòng dũng cảm có căn cứ khoa học, chúng tôi phát huy ưu thế của đường đá, tổ chức vận tải cơ giới, đội hình lớn. Triệt để tranh thủ “thiên thời”, chúng tôi đề ra phương châm vận chuyển ban ngày là chính, ban đêm là bổ trợ, đi đội hình tiểu đoàn là chính, đội hình nhỏ là bổ trợ. Kết quả thật tuyệt vời, nhưng không bất ngờ - kế hoạch vận chuyển tháng 11 vượt 180%, bằng cả mười tháng cộng lại. Không khí phấn khởi, hồ hởi tràn ngập các binh trạm, từng cung đường. Chỉ một thời gian ngắn mà thế cờ gần như đảo ngược. Nếu đây là một trận đấu bóng, thì đội Tổng cục Hậu cần tiền phương đã tung một cú sút ngoạn mục làm tung lưới nghiêng ngả khung thành đối phương.
Đang giữa hè, vừa để tránh nắng, vừa tránh giờ cao điểm địch đánh phá dọc đường, 4 giờ sáng ngày 14/6/1967, đoàn chúng tôi xuất phát tại Hà Nội. Phải mất tròn hai ngày hai đêm chúng tôi mới vào tới Hương Đô. Quãng đường chưa tới 400 cây số. Địch đánh dữ. Hầu hết ở các cầu, phà trọng yếu, chúng ta đều phải làm đường vòng, bến phụ. Công nhân giao thông, thanh niên xung phong trực tại chỗ suốt ngày đêm, kịp thời giải tỏa mọi ách tắc. Cùng đồng hành với chúng tôi trên đường ra tiền tuyến là những đoàn xe nặng hàng, kín lá ngụy trang, thân mình đầy chứng tích bom đạn. Là những đoàn tàu lầm lũi trong đêm chở cả xe tăng, pháo cỡ lớn thẳng hướng về Nam. Dọc kênh Nhà Lê từ Thanh Hóa vào Nghệ An, tôi còn thấy những đoàn vận tải thuyền nan, lúc ẩn, lúc hiện dưới những lùm cây. Hỏi ra mới biết đó là những thành viên Đoàn vận tải Lam Sơn, Đoàn vận tải Điện Biên do tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Dọc các cung đường qua Nghệ An, Hà Tĩnh, chúng tôi gặp nhiều đoàn xe thồ. Những lão nông da cháy sạm, đầu nón lá, chân đất, áo nâu... gập mình đẩy những chiếc xe đạp “cõng” bốn, năm bao gạo...
Chập tối ngày 15/6, đoàn tới ngã ba Đồng Lộc. Xe qua ngã ba đông, ùn lại một quãng dài. Đồng chí lái xe, nhanh như cắt chạy tìm người chỉ huy giao thông. Lập tức xe tôi được ưu tiên lách lên phía trưốc. Bất thần một tốp máy bay địch ào tới ném bom, phóng rốc-két. Một xe của đoàn, chạy sau xe tôi hơn năm chục mét trúng đạn, bốc cháy. Lái xe, đồng chí bảo vệ, và một nữ nhân viên văn phòng cùng đi hy sinh. Cả đoàn dừng xe lo việc mai táng, vĩnh biệt đồng đội. Thanh niên xung phong, công nhân giao thông trực trọng điểm... cùng sẻ chia với chúng tôi nỗi đau mất mát, lo chôn cất, làm đầy đủ bia mộ cho những người lính Trường Sơn vĩnh viễn yên nghỉ tại trọng điểm này.
Mờ sáng ngày 16, chúng tôi mới có mặt tại Hương Đô. Qua làm việc với các anh Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Đinh Đức Thiện, Phan Trọng Tuệ và các đồng chí lãnh đạo khác, đặc biệt những gì mắt thấy tai nghe trên những nẻo đường tôi qua là minh chứng sống động nhất của một thời cả nước ra trận. Cả hậu phương gồng mình lên vì chiến trường, vì miền Nam yêu dấu, vì nghĩa tình quốc tế cao cả. Một thời hạt gạo chia ba, chia bốn; dẫu thân mình cũng chịu nhiều thương tích vì bom đạn thù, miền Bắc vẫn thực hiện xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình, là cái “nền”, cái “gốc” của cách mạng cả nước - như Bác Hồ từng dạy. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” là khẩu hiệu hành động, là tiếng nói từ con tim, khối óc của mỗi người dân hậu phương vì sự vững mạnh của hậu phương lớn và vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Vừa vào tới Hương Đô, sáng 16/6 chúng tôi làm việc luôn với cán bộ chủ trì cơ quan Bộ Tư lệnh 559, Tổng cục Hậu cần tiền phương, nắm lại toàn bộ kế hoạch và nội dung hội nghị tổng kết - tập huấn. Hai ngày sau, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh thông qua lần cuối nội dung và công tác chuẩn bị cho hội nghị; đặc biệt là khâu chuẩn bị công sự và bố trí lực lượng cao xạ bảo vệ, bởi địa điểm họp gần các trọng điểm Yên Lộc, Khe Ác.
Hạ tuần tháng 6, hội nghị tổng kết chiến đấu mùa khô 1966 - 1967 của Đoàn 559 được tiến hành tại xã Hương Xuân. Do địa điểm họp kề cận Hương Đô - nơi đặt Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh nên về sau mọi người trong chúng tôi quen gọi là hội nghị Hương Đô. Đây là hội nghị có đông đủ thành phần tham dự nhất kể từ ngày thành lập Đoàn 559, gồm cán bộ quân chính cả tuyến 559 và tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương. Dự hội nghị còn có đại biểu các cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ban 67, Quân khu 4, các binh chủng có liên quan, đại biểu các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đặc khu Vĩnh Linh... Hội nghị này không đơn thuần là tổng kết mà còn là hội nghị tập huấn với nhiều nội dung rất mối về nghệ thuật quân sự lần đầu tiên được vận dụng thắng lợi trên tuyến vận tải quân sự chiến lược. Văn bản trình bày ở hội nghị, tái sử dụng một phần báo báo cáo ở hội nghị quân chính tháng 2/1967 ở trong tuyến. Do công tác chuân bị tốt, biểu mẫu thông kê các mặt hoạt động đầy đủ, nên trong báo cáo tổng hợp, tôi chỉ tập trung đánh giá chung và rút ra một số bài học kinh nghiệm:
- Đánh giá, phân tích tình hình địch - ta trong mùa khô 1966 - 1967, nêu bật cái mạnh, cái yếu của ta và của đối phương; chủ yếu trang bị cho cán bộ những vấn đề cơ bản về phương pháp luận; phân tích, vận dụng vào điều kiện không quân Mỹ đánh phá, ngăn chặn tuyến vận tải quân sự chiến lược; vấn đề cần phải làm chủ của ta - phía chiến đấu chống ngăn chặn, với sức mạnh của bộ đội binh chủng hợp thành, điểm giống và khác nhau trong việc triệt để lợi dụng các yếu tố: Thiên - Địa - Nhân.
- Quán triệt nhiệm vụ, chức năng của tuyến vận tải chi viện chiến lược cho các chiến trường về cả ba mặt: là một tuyến vận tải quân sự chiến lược, là một hướng chiến trường trọng yếu, là một căn cứ chiến lược của các chiến trường.
- Là một chiến trường “Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi” phải vận dụng nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân, tư tưởng chiến thuật tác chiến vào cuộc chiến đấu chống ngăn chặn. Mùa khô 1966 - 1967, về tổ chức vận chuyển, Tuyến 559 đã thử nghiệm thành công đội hình tiến công nhiều thê đội; mật tập, liên tục, lấy đại đội làm đội hình tiến công cơ bản; đặc biệt đã sáng tạo một tổ chức độc đáo của bộ đội binh chủng hợp thành, lấy bộ đội vận tải làm chủ. Bộ đội vận tải sử dụng đội hình tiến công phải có sự yểm trợ trực tiếp của hỏa lực cao xạ, của công binh, bộ binh và các lực lượng bảo đảm khác một cách nhịp nhàng, đồng bộ, dây chuyền, liên hoàn...
- Chuyển Bộ Tư lệnh và cơ quan Bộ Tư lệnh chỉ đạo là chính sang có kết hợp chỉ huy; chuẩn bị tiến tới tổ chức chiến dịch vận tải trên toàn tuyến.
- Từng binh trạm củng cố chỉ huy thống nhất do binh trạm tổ chức; đặc biệt là chỉ huy trực tiếp bộ đội binh chủng hợp thành ở các trọng điểm, khu căn cứ tập kết xuất phát. Chỉ huy các cấp phải thực hiện được năm trực tiếp: Trực tiếp giao nhiệm vụ; trực tiếp tổ chức hợp đồng chỉ huy chiến đấu; trực tiếp kiểm tra; trực tiếp xử lý công việc kịp thời; trực tiếp báo cáo cấp trên. Ở đây, bộ đội thông tin đã trở thành một lực lượng quan trọng của bộ đội binh chủng hợp thành. Hiện nay, trên tuyến mới tổ chức được mạng thông tin khá tốt ở tập đoàn trọng điểm Văng Mu - Tha Mé. Năm 1968, ta sẽ phát triển mạng lưới thông tin, đặc biệt là thông tin tải ba. Lúc đó, “động mạch” chủ “động mạch” nhánh sẽ lưu thông tuần hoàn trong một cơ thể cường tráng.
Sau hội nghị quan trọng này, Bộ Tư lệnh sẽ định hình cơ bản tư tưởng chiến thuật cho từng binh chủng trên tuyến. Trước mắt, áp dụng cho đợt diễn tập thực binh bộ đội hợp thành trong tháng 8 tới. Bước đầu soạn thảo nhanh tư tưởng chiến thuật cho một số binh chủng. Ví dụ, đánh tiêu diệt là tư tưởng chung. Nhưng bộ đội cao xạ trên Tuyến 559, khi đã xác định lấy bộ đội vận tải làm chủ công thì cách đánh của bộ đội cao xạ là tiêu diệt máy bay địch đánh phá đội hình xe hành tiến, cầu đường. Đó là tư tưởng chủ đạo. Các binh chủng khác và lực lượng phục vụ cũng thực hiện như vậy. Hội nghị thống nhất khẳng định: Sau 8 năm, mùa khô 1966 - 1967, Tuyến vận tải quân sự 559 đã thử nghiệm thành công vận tải cơ giới có quy mô trong điều kiện đối phương tiến hành chiến tranh ngăn chặn quyết liệt. Là mùa khô đầu tiên thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch vận tải; giao quân bổ sung cho chiến trường với số lượng lớn nhất, kịp thời nhất. Là mùa khô lực lượng 559 bắn rơi nhiều máy bay, tiêu diệt được nhiều bộ binh địch, tham gia giải phóng được một số vùng đất đai của bạn. Cũng là mùa khô mở được nhiều đường mới, nhất là đường vòng tránh, bảo đảm giao thông thông suốt liên tục. Đặc biệt, đây là mùa khô đầu tiên các lực lượng binh chủng trên tuyến vận dụng đúng đắn tư tưởng tiến công, nghệ thuật và chiến thuật quân sự phù hợp với đặc điểm của tuyến vận tải quân sự chiến lược trong chiến tranh.
Không khí hội nghị như lửa gặp gió khi anh Vũ Xuân Chiêm đọc điện của Đại tướng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp biểu dương thành tích của Đoàn 559 trong mùa khô 1966 - 1967. Điện của anh Văn chỉ rõ: “Thắng lợi mùa khô 1966-1967 là bước đầu, nhưng quan trọng là ở chỗ rút được những bài học mới làm cơ sở để củng cố tổ chức lực lượng và định hướng cho cuộc chiến đấu mùa khô 1967-1968. Một điều rất quan trọng là xây dựng được tư tưởng tiến công - tư tưởng căn bản của Quân đội ta. Khẳng định chủ trương cơ giới hóa vận tải của Quân ủy Trung ương là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của chiến trường”.
Hầu hết đại biểu dự hội nghị rất phấn khởi nhất trí cho rằng hội nghị Hương Đô đúng là vừa tổng kết, vừa tập huấn, ở góc độ tổng kết, đã nhất trí khẳng định lấy vận tải cơ giới là chủ yếu; ở góc độ tập huấn, lần đầu tiên chúng ta đã tiếp nhận được tư tưởng chiến thuật tấn công quân sự cho các loại binh chủng. Đây là mốc có tính chất lịch sử, để chuyển sang tác chiến hiệp đồng binh chủng trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tạo thế, tạo lực mới để tiến lên hoàn thành nhiệm vụ vận tải chi viện chiến lược. Kết thúc hội nghị, toàn bộ lực lượng phía sau cũng như lực lượng trên tuyến khẩn trương chuẩn bị cho một mùa khô mới. Mấy anh em trong Bộ tư lệnh chia nhau xuống từng đơn vị, trực tiếp nắm công tác tập huấn, củng cố tổ chức, bổ sung quân số, trang bị kỹ thuật.
Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được điện của anh Hồng Kỳ báo lực lượng ở lại tuyến triển khai tốt nhiệm vụ bảo đảm hành quân, bảo vệ kho tàng. Đặc biệt, công binh đang gấp rút hoàn thành chuẩn bị cầu đường theo kế hoạch đã định. Các lực lượng công binh, cao xạ, thông tin tập trung ưu tiên cửa khẩu đường 20 và đường 12, với quyết tâm bảo đảm từ ngày 15/10, các binh chủng chính thức nhập tuyến. Cùng thời gian này, chúng tôi nhận được văn bản chính thức kế hoạch mùa khô 1967 - 1968 vối chỉ tiêu trên giao gấp hai lần mùa khô trước. Trên cơ sở tổ chức lực lượng được củng cố và kế hoạch được phân bổ, đồng thời các khâu chuẩn bị khác cơ bản hoàn tất, tháng 8/1967, Bộ Tư lệnh 559 và Tổng cục Hậu cần tiền phương phối hợp tổ chức diễn tập “chiến dịch vận tải” hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Với cuộc diễn tập này, chúng tôi muốn áp dụng những kinh nghiệm đã được khẳng định, rèn luyện nâng cao trình độ chiến thuật, chiến đấu, trình độ tác nghiệp của bộ đội, kết hợp tạo chân hàng ở tuyến kho hậu cứ Đoàn 559.
Trung tâm địa bàn diễn tập từ ngã ba Khe Giao (Hà Tĩnh) đến Khe Ve (Quảng Bình). Lực lượng vận tải tham gia diễn tập có 560 xe, gồm ba tiểu đoàn xe của Đoàn 559, hai tiểu đoàn xe của Tổng cục Hậu cần tiền phương. Một số tiểu đoàn công binh, thanh niên xung phong của Binh trạm 2 và Binh trạm 12 tham gia bảo đảm cầu đường, bốc dỡ hàng. Năm tiểu đoàn cao xạ, ba đại đội súng máy phòng không đang tác chiến tại chỗ cũng được huy động diễn tập... Thực hành diễn tập, tôi trong “vai” Binh trạm trưởng, các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh 559 và Tổng cục Hậu cần tiền phương đóng “vai” cơ quan binh trạm. Chỉ huy binh trạm xuống trực tiếp chỉ huy trọng điểm. Trên suốt 150 cây số “chiều dài tiến công”, chúng tôi chọn ba trọng điểm tổ chức chỉ huy bộ đội hiệp đồng binh chủng là Khe Giao, La Khê và Khe Ve. Những quy định đường vào, đường ra, điểm tránh nhau, thời gian xe tập kết, xuất phát... đều được triển khai nhịp nhàng, thông nhất như tập huấn. Cuộc diễn tập kéo dài một tháng. Kết quả khá mĩ mãn. Chân hàng được lập tại tổng kho Tuyến 559 hơn 8.200 tấn vật chất. Nhưng cái được quan trọng hơn là chúng tôi đã xây dựng bước đầu điều lệnh chiến dịch, điều lệnh chỉ huy, chiến đấu; công tác chính trị trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô chiến dịch.
Trung tuần tháng 10, khi những ngọn gió heo may đầu mùa quật xào xạc trên những tán cây rừng vùng Hương Khê, Chu Lễ..., chúng tôi tiến hành một đợt tổng kiểm tra công tác chuẩn bị lực lượng, trang bị, công tác cầu đường ở hai cửa khẩu đường 12 và đường 20. Những kinh nghiệm của một mùa vận tải chi viện được hội nghị Hương Đô khái quát thành các vấn đề có tính lý luận và sau đó được vận dụng vào diễn tập “chiến dịch vận tải” quy mô vừa, cùng các hoạt động chuẩn bị khác về con người, trang bị, cầu đường... đảm bảo cho chúng tôi chủ động, vững vàng triển khai “chiến dịch nhập tuyến”, góp phần cùng chiến trường thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược mới của Bộ Chính trị Trung ương Đảng.
(…)
Giờ đây hơn nửa thế kỷ đã qua, khi nghĩ về những ngày đạn bom, nhưng rất đỗi hào hùng ấy, trong tâm thức tôi vẫn lắng đọng một điều: Nếu không có truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái; tựa nhau khi “tốỉ lửa tắt đèn”, “lá lành đùm lá rách” hình thành từ hàng nghìn năm lịch sử ở từng cộng đồng xã thôn Việt Nam; nếu không có những tế bào đang độ manh nha của Chủ nghĩa Xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản là hợp tác xã nông nghiệp - con đẻ của chính sách hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng... liệu miền Bắc có trụ vững, có làm tròn nghĩa vụ đối với chiến trường được không? Điều khẳng định là: hàng triệu người con đất Bắc rất yên lòng, dồn hết tâm lực cho cuộc sống mái với quân thù trên chiến trường khi có được hậu phương là điểm tựa vững vàng về cả tinh thần lẫn vật chất... Thật tự hào, tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn”.
Bình An