Hơn 50 năm đã qua kể từ khi những người anh hùng quê Hà Nam hy sinh tại chiến trường đường 21, đường 22, sân bay dã chiến Libi, những thông tin về xuất thân, hành trạng, cuộc đời của họ vẫn chìm trong màn sương lịch sử. Điều này đã thôi thúc chúng tôi lên đường, tìm về mảnh đất Bình Lục – Hà Nam, mong lục trong ký ức thân nhân, lượm những câu chuyện quý giá, dựng lại một trang vàng của chiến công anh dũng và sự hi sinh oanh liệt của những người anh hùng thuở ấy.
Đi tìm
Tháng 8/2023, đền thờ anh hùng liệt sĩ hồ Kẻ Gỗ (tỉnh Hà Tĩnh) được cắt băng khánh thành. Bên trong ngôi đền, có hai tấm bia đá lớn khắc tên tuổi, quê quán của 62 vị anh hùng (bao gồm thanh niên xung phong và công nhân Xí nghiệp gạch Cẩm Thành) đã hi sinh tại chiến trường đường 22, sân bay dã chiến Libi trong giai đoạn 1966 -1973.
Trong 62 liệt sỹ có 28 người quê Hà Nam, thuộc các huyện Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm, Phủ Lý và đặc biệt là Bình Lục (có tới 20 vị). Riêng Bình Lục, các xã Đồng Du, Tiêu Động và Bình Nghĩa là có nhiều liệt sĩ nhất. Bởi vậy, chúng tôi quyết định về các xã này để tìm kiếm thông tin.
Ngày 19/3/2025, chúng tôi có mặt tại UBND xã Đồng Du, huyện Bình Lục. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã, tiếp đón và cắt cử cán bộ đưa đoàn đến từng gia đình liệt sĩ có tên trong danh sách. Tại xã Đồng Du, chúng tôi được gặp một nhân vật đặc biệt, ông Phạm Đăng Vinh, năm nay 80 tuổi – là người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến giai đoạn bi tráng của lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Hà Nam trong việc tham gia mở đường 21, 22, sân bay dã chiến Libi.
Trong ngôi nhà nhỏ có cây hoa hồng trước hiên, ông Vinh tóc bạc phơ, vóc người nhỏ bé, nhưng sự tinh anh và mẫn tiệp vẫn hiện rõ. Ông cười lớn khi chúng tôi vào nhà, tự trào mình vẫn là “thanh niên” và rằng ông tự hào khi là một phần của thế hệ thanh niên ba sẵn sàng, ở cái thời mà ông Nguyễn Lam vẫn còn là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn (về sau ông Nguyễn Lam làm tới Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Hà Nội, Phó thủ tướng Chính phủ).
Ông Phạm Đăng Vinh, nhân chứng đang kể lại những ngày tháng có mặt ở mặt trận Kẻ Gỗ
Nhấp ngụm trà thơm, ông Vinh xác nhận hai liệt sĩ Trần Văn Xuân, Phạm Công Chi đã tham gia vào đoàn thanh niên xung phong tỉnh Hà Nam đi chiến đấu tại mặt trận Hà Tĩnh. Trong đó, liệt sĩ Trần Văn Xuân hi sinh khi đang lái xe, vì xe bị trúng hỏa tiễn của giặc, còn liệt sĩ Phạm Công Chi (bạn đồng môn, đồng tuế với ông) tới nay vẫn chưa tìm được mộ phần.
Lục trong kí ức, ông Vinh cho biết Hà Nam ngày ấy có các đại đội (viết tắt là C) đi mở đường 21, 22, gồm: C352, C357, C359, C362… Mỗi C gồm khoảng 300 người, cao nhất là C357 với 320 người. “Tôi thuộc C357, đơn vị tôi bắt đầu ra quân vào ngày 5/7/1965, ban đầu hoạt động tại các địa bàn Nam Đàn (Nghệ An), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), sau đó chuyển đi mở đường 21”, ông Vinh kể.
Đường 21 là tuyến đường chiến lược chạy song song với trục đường 15A, bắt đầu từ tỉnh lộ 3, Km số 0 ở ngã ba Khe Giao, xã Thạch Ngọc (nay là xã Ngọc Sơn) huyện Thạch Hà đến Km số 18+600 ngã ba Thình Thình, xã Thạch Điền (nay là xã Nam Điền), sau đó tiếp tục đi xuyên đường Trường Sơn bám hữu ngạn sông Ngàn Sâu vào đến tận Tân Ấp, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tổng chiều dài của toàn tuyến là hơn 54km với mặt đường rộng 4 - 5m.
Còn đường 22 là dài 65km, chạy từ ngã ba Thình Thình (nay thuộc xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Lực lượng tham gia mở đường 22 gồm 4 đội thanh niên xung phong với khoảng hơn 6.000 người. Đến cuối năm 1970 - đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 hoàn thành. Trong quá trình mở đường 22, lực lượng quốc phòng đã chọn vùng Đá Bạc để xây dựng công trình quốc phòng 723 (còn gọi là sân bay dã chiến Libi - tên đặt theo một khe suối ở làng Đá Bạc, xã Cẩm Mỹ). Sân bay được hoàn thành cuối năm 1972, đầu năm 1973, nhưng bị giặc Mỹ dùng B52 đánh phá ác liệt.
Trong những trận chiến bảo vệ tuyến đường 21, 22, sân bay Libi, ông Vinh đã chứng kiến nhiều đồng chí, đồng đội của mình hi sinh, như liệt sĩ Lã Thị Huệ, liệt sĩ Trần Thị Tuyết cùng hi sinh trong một trận chiến lúc 20h tại mặt trận đường 21. Hay như trong một trận ném bom ác liệt của giặc tại ngã ba Thình Thình, 12 đồng chí của ông đã hi sinh. Trong 12 người đó, có 2 trường hợp đặc biệt đau xót là liệt sĩ Trần Thế Luận (xã Vũ Bản, huyện Bình Lục) và liệt sĩ Trần Thanh Tặng (xã La Sơn, huyện Bình Lục).
“Hai ông không trực tiếp ra mặt trận, nằm tại doanh trại để hôm sau đi cắt gỗ về làm quan tài dự trữ cho đơn vị. Vì thế sau này, việc làm chế độ cho các anh rất khó khăn”, ông Vinh cảm thán.
Những mảnh ký ức
Cuộc gặp gỡ với ông Phạm Đăng Vinh đã giúp chúng tôi giải tỏa sự mơ hồ về thân thế của các liệt sĩ được khắc tên trên bia đá hồ Kẻ Gỗ. Những anh hùng Trần Thế Luận, Trần Thanh Tặng, Trần Thị Tuyết, Lã Thị Huệ là những người đã chiến đấu anh dũng trên mảnh đất Hà Tĩnh để giữ từng mạch đường cho quân ta tiến vào miền Nam giải phóng đất nước.
Theo mạch thông tin đó, chúng tôi vào nhà thân nhân của liệt sĩ Lã Thị Huệ, tại thôn Ô Lữ, xã Đồng Du. Ông Lưu Văn Khải, người gọi liệt sĩ Lã Thị Huệ là dì ruột, xác nhận thông tin liệt sĩ Huệ sinh năm 1946, mất năm 1966 là chính xác. Điều này càng củng cố thêm cho chúng tôi niềm tin về việc hoàn thành sứ mệnh tìm kiếm thông tin tại Hà Nam. Tuy vậy, điều đáng tiếc là do cách biệt thế hệ, hoặc là em, hoặc là cháu, những thân nhân không lưu giữ được nhiều thông tin của các liệt sĩ. Hồ sơ, giấy tờ qua mấy chục năm chiến tranh, nghèo khó đã không còn đầy đủ. Ký ức cũng đứt quãng, thậm chí vụn vặt như những đốm sáng lập lòe trong đêm.
Ông Lê Văn Chơi đang hồi tưởng về anh trai là liệt sĩ Lê Văn Chắn
Không riêng tại Đồng Du, khi sang xã Bình Nghĩa, vào nhà các liệt sĩ Trần Văn Phúc, liệt sĩ Trần Quốc Tuyến, tình cảnh cũng đều như vậy. Thân nhân chỉ nhớ được năm sinh, năm mất, chỉ còn gìn giữ được một tấm bằng Tổ quốc ghi công, một bức ảnh truyền thần, thậm chí có liệt sĩ không còn cả một bức ảnh. Ở xã Tiêu Động, huyện Bình Lục (là quê hương của vị tướng lừng lẫy Trần Tử Bình (tên thật là Phạm Văn Phu, một trong 10 vị tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cấp bậc Thiếu tướng), chúng tôi vào nhà liệt sĩ Phạm Văn Sách, gặp em gái liệt sĩ là bà Phạm Thị Uy. Bà Uy năm nay đã 68 tuổi, vẫn còn nhớ rõ những kỷ niệm về người anh trai của mình. Bà cho biết liệt sĩ Sách sinh năm 1949, khi mới hơn 15 tuổi đã xung phong nhập ngũ. Lục giấy tờ cũ, bà lấy ra thư khen của Ban chỉ huy Đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước 35, đề ngày 5/7/1966, ghi nhận liệt sĩ Phạm Văn Sách ngày ấy thuộc đại đội 357. Nhân dịp đồng chí Phạm Văn Sách tròn 1 tuổi quân, thư khen đã đánh giá đồng chí có các tiến bộ rõ rệt về trình độ giác ngộ chính trị, học tập văn hoá tích cực, được lên lớp, hoàn thành nhiệm vụ trong rèn luyện phẩm chất cách mạng.
Thư có đoạn: “Chúng tôi thấy đồng chí Sách có nhiều triển vọng tiến bộ, đề nghị gia đình ta hết sức khắc phục khó khăn trong thời gian đồng chí Sách đi vắng, động viên anh chị em ngoài tiền tuyến an tâm phấn khởi công tác, góp phần cùng toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thay mặt toàn thể cán bộ trong đội, Ban chỉ huy kính chúc gia đình mạnh khoẻ, sản xuất, tiết kiệm tốt, tích cực góp phần chống Mỹ cứu nước”.
Liệt sĩ Phạm Văn Sách sau đó đã anh dũng hi sinh tại mặt trận phía Tây, ngày 21/3/1970. Kể từ đó đến nay, bà Phạm Thị Uy ở vậy chăm sóc cha mẹ và thờ cúng anh trai trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé, đã xuống cấp nghiêm trọng trước sức nặng thời gian.
Cũng nhớ được khá nhiều là ông Lê Văn Chơi, em trai của liệt sĩ Lê Văn Chắn tại xã Tiêu Động. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Chơi xác nhận liệt sĩ Chắn sinh năm 1943, từng làm công nhân tại Nam Định rồi Cao Bằng, từ đó nhập ngũ chiến đấu chống giặc và mất năm 1972.
Mây trắng còn bay
Những thân nhân của liệt sĩ - những người năm ấy còn là đứa trẻ con, được chú, được anh ôm vào lòng, xoa đầu trước lúc lên đường ra trận - giờ đều đã bước sang tuổi 60, 70, tóc đã bạc phơ, mắt đã kèm nhèm, mỗi khi nói chuyện lại phải gắng gượng lục tìm trong trí nhớ những kỷ niệm cũ, tưởng chừng đã phôi phai. Chỉ có các anh hùng liệt sĩ là vẫn thế, mãi mãi trẻ, vĩnh viễn trẻ, như mây trắng bay giữa trời, nghìn năm vẫn một màu như vậy.
50 – 60 năm đã trôi đi kể từ khi các anh hùng về trời, nỗi đau đã ngủ yên, nhưng lòng tiếc thương và sự biết ơn vẫn còn cháy đượm trong trái tim mỗi người. Đường về Đồng Du, Bình Nghĩa, Tiêu Động hôm nay rất đẹp. Mùa xuân tháng ba, trăm hoa nở rộ, lúa non phấp phới, gió lay ngọn cờ. Sự thanh bình ấy có được là nhờ sự hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ, những người đã nằm xuống ở góc rừng Trường Sơn, trên đường 21, 22, trên sân bay Libi, mà chiến trận xưa, giờ đã nằm sâu trong lòng hồ Kẻ Gỗ.
“Đốt nén hương thơm, mát dạ người”, một chuyến đi, trăm câu chuyện kể, thêm cho chúng ta bao điều quý báu để tưởng nhớ và biết ơn những người anh hùng.
Trong quá trình tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như tham gia các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, cùng với quân đội, nhân dân, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam, lực lượng TNXP Hà Nam đã có những đóng góp, hy sinh to lớn, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tôn vinh. Trong danh sách các anh hùng liệt sỹ đang được thờ cúng tại Đền thờ AHLS ở lòng hồ Kẻ Gỗ, có nhiều người quê ở Hà Nam.
Theo các tài liệu chính thức, Hà Nam có 17 nghìn đội viên TNXP thuộc nhiều thế hệ. Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng TNXP Hà Nam có hơn 400 liệt sỹ, 200 đội viên bổ sung chiến đấu, hy sinh bên quân đội; gần 300 nữ đội viên lỡ tuổi, sống đơn thân. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng nhiều nỗi đau vẫn còn đó.
Xuân Hải – Đức Hùng