Hai mươi tuổi ấy …
Tháng 11/1940, trong những ngày tuyệt thực tại ngục tù Lao Bảo, Tố Hữu, nhà thơ thơ tiên phong của thơ ca Việt Nam, đã viết về tuổi hai mươi thuộc thế hệ ông đi làm cách mạng :
Hai mươi tuổi, tim đang dào dạt máu
Hai mươi tuổi, hồn quay trong gió bão
Gân đang săn và thớ thịt căng da
Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa! (Tố Hữu).
Những câu thơ quá tuyệt vời về tuổi hai mươi thời đó, tuổi đã cùng cả nước chấm dứt ách độ hộ 80 năm của thực dân Pháp, làm nên cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, khai sinh ra nước Việt nam dân chủ cộng hòa, đưa lại nguồn cảm hứng cách mạng chói sáng “Ngực lép bốn nghìn năm trưa nay cơn gió mạnh/Thổi phồng lên tim bỗng hóa mặt trời”.
Tôi thuộc thế hệ tiếp nối sau thế hệ của ông, cùng thời với những liệt sĩ tuổi hai mươi đã đi suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thế hệ chúng tôi có nhiều cái đáng để nhớ. Họ sinh ra trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có cha mẹ nếu không là Vệ quốc quân, Giải phóng quân thì cũng là dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, sản xuất ở hậu phương để đóng thuế nuôi quân… trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ ác liệt và gian khổ để kết thúc bằng chiến thắng “long trời lở đất, mở ra một trang sử mới cho dân tộc, cho phong trào độc lập tại nhiều nước trên thế giới”:
Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng (Tố Hữu).
Lực lượng thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ
Lớn lên trong điều kiện được nuôi dưỡng bởi tinh thần yêu nước chảy trong mach máu của gia đình, quê hương, lớn lên khi cả nước có chiến tranh, với ý chí “tất cả vì miền Nam ruột thịt “, bất chấp đói rét, đạn bom, phải “mang mũ rơm đi học đường dài” họ vẫn “đội bom đến lớp ngày ngày em chăm”. Thế hệ hai mươi này không hề biết run sợ trước mọi kẻ thù, sống, học tập và chiến đấu với quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” với tâm niệm “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”. Họ yêu hòa bình nhưng không sợ chiến tranh, ra trận là để bảo vệ Tổ quốc và phẩm giá của dân tộc:
Ta đâu có thích gì máu đổ
Thích gì nghe đạn nổ bom rơi
Ta chiến đấu vì không cam cúi khổ
Không cho quân giặc Mỹ chém ngang người (Tố Hữu).
Họ là những chiến sĩ đã anh dũng quật cường chống lại đế quốc Mỹ, kẻ đã muốn dùng sức manh hủy diệt của bộ máy chiến tranh với dã tâm đưa “Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá”. Ở chiến trường miền Nam ác liệt, nhiều trong số họ đã ngã xuống để lại bao nhiêu thương tiếc, biết ơn cho các thế hệ sau này:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
(Lê Bá Dương).
Ở hậu phương miền Bắc nhưng cũng là chiến trường khói lửa, nhất là khi đế quốc Mỹ leo thang, mở rộng chiến tranh ra cả nước, họ vừa sản xuất vừa chiến đấu, bắn máy Mỹ, bám trụ kiên cường dưới mưa bom bão đạn để bảo vệ huyết mạch giao thông chở người, vũ khí “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Cuộc chiến đấu đó không kém phần ác liệt, nhiều trong số họ đã anh dũng hy sinh như các liệt sĩ ở Đồng Lộc, Truông Bồn, Hang Tám Cô, đường 22 và sân bay dã chiến Libi…, những địa danh đã ghi vào lịch sử.
Tôi đã có dịp đến hồ Kẻ Gỗ, ngược dòng hồ mênh mang trời nước, trong cái nắng vàng óng ả và bầu trời xanh ngắt xứ Nghệ để thắp hương tại miếu Libi, nơi thờ các liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất này. Tôi rất xúc động khi biết được chiến công thầm lặng và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ trong quá trình mở đường 22, xây dựng sân bay Libi để rút ngắn hơn nữa cung đường vận chuyển thẳng ra tiền tuyến. Họ là bộ đội, là thanh niên xung phong hay công nhân xây dựng… đến từ nhiều miền quê yêu dấu trên đất nước ta như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh… đã xây dựng và chiến đấu chống lại dàn “con ma , thần sấm” Mỹ để bảo vệ đường, bảo vệ xe ra tiền tuyến. Tôi đã lặng người trước danh sách các liệt sĩ đã hy sinh trên cung đường 22 và sân bay dã chiến Libi trong các năm từ 1966-1973 mà phần lớn là con em của bà con ta đến từ Bình Lục, Kim Bảng, Phủ Lý, Thanh Liêm, Lý Nhân (Hà Nam) và hầu hết các huyện của Hà Tĩnh, nhất là Cẩm Xuyên thân yêu của tôi. Và cũng thật là đau xót khi biết hầu hết các liệt sĩ đã hy sinh ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời: tuổi hai mươi yêu dấu.
Với tôi, đời người ta độ tuổi nào cũng đẹp nhưng đẹp nhất vẫn là ở tuổi hai mươi với sức sống thể chất và tinh thần, ước mơ và hành động, khao khát và dấn thân, vô tư và trong sáng… tất cả như dồn tụ lại ở độ tuổi này. Thử thách nào cho tuổi trẻ cũng là cần thiết nhưng thử thách từ trong cuộc chiến đấu và dựng xây bảo vệ Tổ quốc (dù bất đắc dĩ) là những thử thách cam go để tạo ra một thế hệ kiên cường, viết lên các bản hùng ca bất diệt. Sự hy sinh của các liệt sĩ tại cung đường 22 và sân bay Libi là một trong những bản hùng ca đó.
20 ngày kia…
Libi là một sân bay dã chiến nhỏ, là đường băng mở rộng trục đường 22. Nhận thấy đây là các cung đường (20,21 và 22) là có ý nghĩa chiến lược, nhất để vận chuyển người, vũ khí ra chiến trường, trước đó không quân Mỹ đã nhiều lần ném bom phá hoại hòng cắt đường tiếp vận này, biến nhiều địa điểm nơi đây thành những “cung đường chết”. Ngày nay, một đoạn đường và sân bay Libi đã vĩnh viễn nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ, nhưng biểu tượng cho sự thương nhớ và biết ơn của các thế hệ sau hiển hiện ở miếu thờ. Trong không gian yên ả, lặng ngắt như tờ, nén hương tưởng nhớ các anh chị cháy chưa tàn, dáng cong như một câu hỏi lớn.
Các cựu thanh niên xung phong Hà Tĩnh bên một hố bom tại chiến trường xưa
Sau này có dịp tra cứu thêm thông tin, tôi đựợc biết trong trận bom kinh hoàng rạng sáng ngày 7/1/1973, 20 máy bay B52 đã ném hơn 400 tấn bom xuống sân bay và xung quanh sân bay Libi, 34 liệt sĩ đã hy sinh anh dũng.
Là người cùng đã từng lớn lên với các anh chị trong tiếng bom gầm, đạn rú (từ tàu chiến Mỹ bắn vào), từng không dưới một lần cận kề cái chết, tôi cũng như hàng chục triệu người dân cả nước, người dân miền Bắc thời đó luôn đặt câu hỏi: “Bao giờ thì hết chiến tranh? Bao giờ thì cuộc sống trở lại bình thường?”. Câu hỏi đó càng day dứt, cháy bỏng hơn sau khi có các cuộc “đàm phán bốn bên” Paris kéo dài suốt mấy năm. Người dân nơi đâu cũng hy vọng, mong muốn kèm lời hứa: kẻ khá hơn hứa mổ lợn, người nghèo hứa giết gà, trẻ con mong áo hoa, cụ già ước thoát hầm…, ai cũng mong đợi hòa bình. Tôi nghĩ các anh chị đã hy sinh rạng sáng ngày 7/1/1973 đó còn mong đợi hòa bình hơn ai hết vì họ vừa phải đối đầu, thử thách căng thẳng qua hàng ngàn ngày bom đạn trước đây vừa đang chờ đương đầu với những trận bom bất ngờ sắp tới. Hoàn cảnh đó gợi tôi liên tưởng đến câu chuyện những người đang đêm bất chấp đói rét, vượt đầm lầy, rừng rậm với bao muông thú rình rập và rất chờ đợi bình minh đến. Nhưng tiếc thay, không kịp đón bình minh, họ đã ngã xuống bìa rừng khi đằng chân trời, bình minh vừa sắp rạng.
Ngày 8/1/1993, bốn bên nối lại đàm phán, 7 ngày sau, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và 20 ngày sau (ngày 27/1/1973), Hiệp định Paris tuyên bố chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Con số 20 ngẫu nhiên trùng hợp gợi cho ta bao luyến tiếc, nhớ thương. 20 là tuổi các anh chị, đã vĩnh viễn dừng lại sau khi đi qua hàng ngàn ngày cận kề cái chết và chỉ còn cách sự sống cũng chỉ có 20 ngày.
Ngày 7/1/1993 đó cũng là ngày Chủ nhật, ngày thánh và ngày thờ phượng Chúa của người dân Ki tô giáo, ngày nghỉ ngơi thanh bình của nhân loại. Xót xa thay, đây cũng lại là ngày nghỉ vĩnh viễn của các anh chị sau khi đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Và theo tôi tìm hiểu thì đây là cuộc hy sinh tập thể cuối cùng lớn nhất trên miền Bắc trước ngày ngừng bắn.
Tôi nghĩ rất có thể trong giấc ngủ cuối cùng trên cõi dương thế rạng sáng 7/1/1973 ấy, các anh chị đã có rất nhiều giấc mơ đẹp vì với tuổi trẻ vốn hay mơ và giấc mơ nào cũng đẹp. Đó có thể là mai này, hết chiến tranh, anh sẽ về sửa lại cái mái nhà dột nát cho mẹ, chị trở lại mái trường xưa tiếp nối giảng đường, anh mơ sẽ được nắm tay người mà mình đang yêu thầm nhớ trộm, lá thư tình còn e ấp ngượng ngùng chưa dám gửi, chị mơ sẽ tổ chức một đám cưới giản dị chốn làng quê… Bao giấc mơ đời thường giản dị mà sâu lắng, đẹp đẽ! Tiếc nuối thay, vĩnh viễn đó vẫn chỉ là những giấc mơ không bao giờ thành hiện thực mà nay đã theo các anh chị về trời, để lại cho người thân nỗi đau không bao giờ nguôi:
“Có ai hay, một ngày đau đớn
Người ra đi, đi mãi không về
Mẹ đợi con, mùa thay lá biếc
Em ngóng anh, tối lửa tắt đèn
Mà tuổi hai mươi không ngoảnh lại
Hóa anh hùng giữa cõi vô biên” (Khuyết danh)
Và 20 tháng này…
Miếu thờ Libi đã ghi đậm dấu ấn trong trái tim khối óc những người đã đến thăm địa danh lịch sử này. Cùng với thời gian, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và mong muốn của Nhân dân, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn của thế hệ đi trước, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã có sáng kiến kêu gọi và tổ chức xây dựng Đền thờ Libi, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con ta đến thắp hương, tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại địa danh bi tráng này.
Trong khoảng 20 tháng kể từ ngày đề xuất sáng kiến, các nhà tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng của hàng trăm cá nhân, tổ chức từ khắp mọi miền Tổ quốc ủng hộ. Đó là những người dân nghèo bình dị, là doanh nhân thấm đậm tinh thần tri ân, là các em học sinh nhỏ tuổi, là công nhân, trí thức, các tổ chức công và tư… đã nhiệt tình đóng góp tinh thần và vật chất để có được một công trình kiến trúc mà mọi vật liệu, hiện vật… có được hôm nay là kết quả của một quá trình “lao tâm khổ tứ”, tận tụy tìm kiếm những giá trị tốt nhất để dựng lên quần thể tâm linh này. Một ngôi đền đẹp, tọa lạc giữa một bên là hồ nước mênh mông, một bên là núi rừng xanh ngắt, không gian tuyệt vời này sẽ mãi ru giấc ngủ yên bình cho các anh hùng liệt sĩ “Máu của các chị các anh không uổng/Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam”.
Tôi nghĩ rồi đây, khi đến viếng thăm Đền, trong hương khói mờ ảo, nhìn xuống lòng hồ, chắc mỗi chúng ta không khỏi có chút chạnh lòng khi biết một phần xương thịt của các liệt sĩ còn nằm lại dưới mặt hồ lặng sóng kia, không khỏi ngậm ngùi khi liên tưởng đến cảnh các anh chị đã ngã xuống trước bình minh.
Và trên mặt hồ khi trở về, ngước nhìn bầu trời rất đặc trưng Kẻ Gỗ, mỗi chúng ta sẽ tự hứa sống có trách nhiệm hơn, trân trọng hơn mỗi phút giây của cuộc đời mình để ngày quay lại Đền này, ta có thể cúi đầu trước các anh linh mà nói rằng “chúng tôi đã không làm các anh chị thất vọng”.
Đền sẽ khuất dần trong tĩnh mịch của không gian nhưng hình ảnh của Đền như ánh sáng của nội tâm ta, của lòng yêu nước vẫn còn đó, soi tỏ cho chúng ta trong mỗi bước đi tới.
Trần Hữu Huỳnh
Nguyên Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)