Trong mỗi chúng ta, mỗi khi có dịp đến với Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ sẽ cảm nhận được sự thanh bình giữa mênh mông hồ nước xanh thẳm soi bóng trời mây. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đáy hồ sâu thẳm ấy từng có một công trường 723, nơi 34 công nhân quốc phòng đã ngã xuống trong trận bom B52 ngày 07/01/1973, khi đang xây dựng sân bay dã chiến Libi. Thời gian trôi qua, nước hồ dâng lên, nhấn chìm một phần quá khứ đau thương. Nhưng ký ức về những con người kiên cường ấy chưa bao giờ lặng mất. Tại tiểu khu 335, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh hôm nay, một ngôi đền khang trang được dựng lên như lời tri ân, như chứng tích vĩnh cửu về sự hy sinh thầm lặng mà thiêng liêng. Mỗi cơn gió lướt qua mặt hồ, mỗi con sóng xô bờ vẫn như đang kể lại câu chuyện của họ, những con người đã đi vào lịch sử từ đáy hồ sâu.
“Ra về nhớ mãi con đường
Hai hai chiến lược đổ đầy máu xương
Khi đi chung một con đường
Khi về bạn ở tiếc thương tràn đầy
Linh hồn bạn ở lại đây
Bảo tàng Kẻ Gỗ dựng xây tượng đài
Để cho hôm sớm chiều mai
Đi về bạn có tượng đài tri ân…
Đó là những câu thơ từ tận đáy lòng của bà Lê Thị Kim Nhơn ở phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh viết cho đồng đội trong một lần trở lại thăm chiến trường xưa. Hơn 50 năm đã đi qua, thế nhưng kỷ niệm về những ngày sống, chiến đấu tại công trường 723 ở khe Libi phía tây xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, vẫn luôn đau đáu với những người đã từng sống và chiến đấu tại đây. Nhiệm vụ mở đường 22 chiến lược và xây dựng sân bay dã chiến Libi… những ký ức ấy vẫn không thể nào quên…
Chúng tôi có dịp cùng với một số nguyên cán bộ công nhân, công trường 723 trở lại hồ Kẻ Gỗ, trên con thuyền hành trình vào đền thờ các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh trong trận bom B52 sáng ngày 07/01/1973. Những bước chân tập tễnh của bà Nhơn, bà Lý, Bà Vâm, Bà Liễu… với ánh mắt lệ nhoà. Nhưng có mấy ai biết đến những bước chân này đã từng bạt núi, băng rừng góp sức xây dựng sân bay dã chiến Libi ngày ấy. Giờ đây, “đôi mắt xanh tựa ngọc”, nụ cười cô gái tuổi đôi mươi phơi phới dậy tương lai đã đi vào quá khứ. Những giọt nước mắt lại men theo miền ký ức bi hùng ấy trở về khi gặp lại đồng đội mình. Những câu chuyện sau bao ngày xa cách, tất cả cứ ùa về trong niềm xúc cảm khi nhớ về những đồng đội đã nằm lại Kẻ Gỗ. Với họ những ngày tháng được cùng nhau sống chiến đấu xây dựng sân bay Libi là những ngày tháng vui vẻ, lạc quan và yêu đời nhất của cái tuổi đôi mươi ngày ấy, họ đã hát và làm việc để xua đi cái bóng đen gầm rú trên bầu trời là như thế đó. Bà Lê Thị Kim Nhơn, nhớ lại: “Chúng tôi đang đi làm thì có máy bay quần rú, hắn quần mạnh lắm thế là chúng tôi lại xuống hầm. Thế là tôi nói với mấy đứa ta cùng nhau hát đi, mục đích là để cho tiếng hát hắn át tiếng bom, hắn gầm rú sợ lắm.. thế là bọn tôi hát. “Hà Tĩnh đất lửa quê em, đất anh hùng bền gan chống Mỹ, tuyến đường rộn tiếng xe đi, bao lớp người vui tới ngày mai…” Khi đó phải hát lên để át tiếng bom vì nó quần ở ngầm 14, 15 tiếng máy bay hắn xé tai lắm, nên hát thì hát chứ cũng sợ lắm”.
Một hố bom còn lại trong lòng hồ Kẻ Gỗ
Từ đầu năm 1965, các tuyến đường chạy qua địa bàn Hà Tĩnh ngày đêm bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt với mưu đồ cắt đứt quốc lộ 1A và vùng Địa Lợi - Chu Lễ trên đường 15A. Trước tình hình đó, Bộ Giao thông Vận tải chủ trương giành thế chủ động trong vận tải, bằng cách mở thêm các tuyến đường song song để tránh các trọng điểm đánh phá của địch, đồng thời đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1966, đường 22 ra đời. Lực lượng tham gia mở đường gồm 4 đội TNXP với khoảng hơn 6.000 người. Đường 22 có chiều dài 65km, từ Ngã ba Thình Thình (nay thuộc xã Nam Điền, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đi qua vùng Kẻ Gỗ thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, một phần đường 22 đang nằm dưới đáy hồ Kẻ Gỗ.
Đến cuối năm 1970, đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 hoàn thành và nhận thấy nơi tuyến đường đi qua có một vùng đất bằng phẳng, hai bên được che chắn bởi rừng cây rậm rạp, rất thuận lợi để xây dựng một sân bay dã chiến. Ngày 30/9/1972, 92 công nhân kiến trúc, 36 công nhân xí nghiệp gạch Cẩm Thành, Thuận Lộc được điều động vào công trường 723 ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh để xây dựng sân bay dã chiến Libi, do ông Đinh Trương Đôn - Giám đốc xí nghiệp Vôi Đò Điệm làm Đại đội trưởng. Bà Lê Thị Kim Nhơn khi đó là công nhân công trường 723 tham gia xây dựng sân bay Libi nhớ lại: “Hồi đó, việc đào đắp xây dựng sân bay do các đơn vị công binh của Bộ Quốc phòng làm, chúng tôi thì đào hầm xung quanh sân bay, nhặt các gốc cây, rễ cây, còn một số thì sáng ra đi chặt các nhánh cây và các loại cây bụi để ngụy trang sân bay, sau đó đi đào và khơi thông các hệ thống mương thoát nước hai bên sân bay.” Còn đối với bà Nguyễn Thị Liễu đã có một thời tuổi trẻ của mình nơi công trường xây dựng sân bay Libi cho biết: “Hồi đó rất khổ, công việc thì rất vất vả nhưng chị em lại rất thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau không kể ở đâu, dù ở Nghệ An, Hà Tĩnh hay mọi miền thì đều sống một cuộc sống rất vui vẻ yêu thương nhau”.
Chỉ sau gần bốn tháng thi công khẩn trương, công trình này về cơ bản đã hoàn thành, trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống hậu cần, tiếp tế cho chiến trường. Đặc biệt, sân bay này đóng vai trò then chốt trong việc đối phó với chiến dịch “Lam Sơn 719” – một kế hoạch quân sự đầy táo tợn của Mỹ - ngụy với tham vọng thiết lập một “vành đai lửa” kéo dài từ Đèo Ngang sang tận Xê Pôn (Lào), nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược của ta vào Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Ngay từ những ngày đầu tháng 1/1973, nhận thấy tầm quan trọng của sân bay Libi, không quân Mỹ điên cuồng mở các đợt tấn công hủy diệt. Chúng liên tục trút hàng trăm tấn bom dọc tuyến đường 22, quyết xóa sổ sân bay này khỏi bản đồ chiến sự. Đỉnh điểm của cuộc oanh kích xảy ra vào rạng sáng ngày 7/1/1973. Đúng 2 giờ sáng, ba chiếc B52 bất ngờ xuất hiện trên bầu trời, trút xuống tiểu khu 335, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên một trận mưa bom dữ dội. Trong phút chốc, cả khu vực chìm trong biển lửa và tiếng nổ rung chuyển cả một vùng rộng lớn. Trận bom tàn khốc ấy đã cướp đi sinh mạng của 34 cán bộ, công nhân quốc phòng thuộc Công trường 723. Họ, những chàng trai, cô gái tuổi đời còn rất trẻ – đôi mươi phơi phới – đã ngã xuống trong đêm tối, để lại bao niềm tiếc thương vô hạn. Những người may mắn sống sót sau trận bom ấy đã chứng kiến đồng đội mình hy sinh ngay trước mắt, một hình ảnh ám ảnh suốt cuộc đời họ. Sự mất mát đau thương đó trở thành một ký ức không thể phai nhòa, nhắc nhở thế hệ mai sau về tinh thần kiên trung, lòng dũng cảm và sự hy sinh cao cả của lớp người đi trước trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bà Nguyễn Thị Vân, công nhân công trường 723 không khỏi xúc động nghẹn ngào nhớ về thời khắc bi thương đó: “Khi đó nghe hai tiếng của Hà Thị Thanh kêu cứu với, rồi nghe hai tiếng dưới này chết hết rồi, trên này cũng gọi xuống trên này cũng chết hết rồi, còn tôi khi đó bị thương nhưng tự băng bó cho mình sau đó bộ đội đưa đi bệnh viện”. Bà Nguyễn Thị Liễu, nguyên công nhân công trường 723 vẫn nhớ rõ khoảnh khắc đau lòng đó: “Những người không bị thương thì gom những người chết lại với nhau, còn những người bị thương thì tập trung để đưa lên xe của bộ đội đi cứu thương”. Còn đối với bà Trương Thị Lý với một cảm xúc đau thương khi nghĩ về cái ngày đau thương đó, bà không thể kìm được những giọt nước mắt lăn dài trên má: “Cái cảnh đưa chị em lên xe để mong cứu vãn thật là thảm thương, không thể tưởng tượng được, đứt ruột vì quá thương đồng đội mình, người thì kêu chồng rồi cũng chết, người thì chết trong hầm không kéo lên được, thương lắm”.
Sự mất mát đau thương trên tuyến đường chiến lược 22 và sân bay dã chiến Libi này là rất lớn, không biết bao nhiêu máu xương đã đổ xuống nơi đây. Hòa bình lập lại đất nước bước vào giai đoạn xây dựng lại sau chiến tranh. Năm 1976 Hồ Kẻ Gỗ được khởi công xây dựng. Hồ được tích nước và sân bay dã chiến Libi cùng với một phần đường 22 nằm lại dưới lòng hồ. Câu chuyện đã từng có một con đường huyền thoại, một sân bay chiến lược và sự hy sinh máu xương của những người con ưu tú mãi mãi đi vào lịch sử. Năm 2011, miếu thờ các liệt sỹ nơi đây được xây dựng, trở thành nơi để giáo dục lý tưởng cách mạng, tri ân các thế hệ đi trước. Miếu thờ được xây dựng trên vị trí mà 34 cán bộ, công nhân quốc phòng đã hy sinh. Nhưng điều mà mọi người băn khoăn nhất vẫn là không có tên tuổi và ngày tháng hy sinh của họ. Và họ những công nhân năm xưa như bà Nhơn, bà Vân, Bà Lý luôn trăn trở với thế hệ đi trước đã may mắn được gặp những người thế hệ sau như ông Nguyễn Phi Công, một người con được sinh ra ở mảnh đất Cẩm Mỹ, hiện là Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
Qua sự kết nối, cung cấp tư liệu của họ, ông Công đã dày công tìm thông tin những người đã hy sinh trong trận bom B52 năm ấy, dù thời gian đã hơn 50 năm qua đi. Sau hai năm tìm kiếm, ông đã tập hợp được danh sách ban đầu về các liệt sỹ đã hy sinh tại đây. Để xứng tầm với một chứng tích lịch sử và hương hồn những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống nơi đây, với tấm lòng tri ân của người con xa quê, Nhà báo Hoàng Anh Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính, mỗi khi sắp xếp được thời gian, anh mời những người bạn, các mạnh thường quân về thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, vào miếu thờ các anh hùng liệt sĩ dâng hương. Chỉ sau một thời gian ngắn, Nhà báo Hoàng Anh Minh và nhiều cá nhân, tổ chức đã quyên góp để xây dựng đền thờ trên diện tích rộng hơn 1ha nơi đây. Giờ đây, đền thờ này đã trở thành điểm nhấn trong quần thể của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Những năm gần đây, Ban quản lý đã và đang nỗ lực để phục hồi, tái tạo, những cánh rừng xung quanh lòng hồ, làm phong phú sự đa dạng về hệ động thực vật nói chung và tạo ra nét riêng trong hành trình du lịch tâm linh ở đây. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta, chính vì vậy chúng ta không bao giờ được quên quá khứ. Hy vọng trong thời gian tới nơi đây sẽ được sự quan tâm đầu tư đúng tầm để chứng tích lịch sử này không mãi mãi chìm sâu dưới lòng hồ Kẻ Gỗ.
Nguyễn Sơn Thủy