Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, PCCC rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã nỗ lực không ngừng để có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

     Hệ thống thủy lợi Kẻ Gỗ sớm được xây dựng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc. Hệ thống công trình thủy lợi này không những là niềm tự hào của Đảng bộ, nhân dân và đội ngũ cán bộ thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh mà còn đánh dấu bước trưởng thành trong quá trình phát triển thủy lợi đất nước.

Gắn với hồ Kẻ Gỗ là Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định ngày 28/12/1996, theo đó xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia vùng rừng hồ Kẻ Gỗ tỉnh Hà Tĩnh thuộc hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Sau khi có Quyết định của Thủ tướng, ngày 19/6/1997 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 717/QĐ-UBND về việc thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và ngày 09/7/2012 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1929/QĐ-UBND về việc sáp nhập Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Hà và Ban quản lý rừng phòng hộ Cẩm Xuyên vào Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Ban có nhiệm vụ trọng tâm là quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; bảo vệ tài nguyên nước và nguồn lợi thủy sản trên lưu vực các hồ; bảo tồn đa dạng sinh học thuộc lâm phần đơn vị được giao.

Đến nay, tổng diện tích Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được giao quản lý là 44.276 ha, trong đó rừng đặc dụng là 21.768 ha, rừng phòng hộ 16.303 ha, sản xuất 3.414 ha, đất khác là 2.791 ha, nằm trên địa bàn 15 xã thuộc 4 huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh và Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh và giáp ranh với tỉnh Quảng Bình. Về giá trị đa dạng sinh học: trên cơ sở kết quả theo dõi, điều tra, hằng năm cho thấy, Khu BTTN Kẻ Gỗ có một hệ động, thực vật rất phong phú với gần 400 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, 298 loài chim, 100 loài bò sát lưỡng cư, trong đó có 18 loài thú được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tại đây đã tìm thấy quần thể của 5 loài chim đặc hữu có vùng phân bố hẹp, trong đó Gà Lôi lam mào đen và Gà Lôi Hà Tĩnh là hai loài đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu. Về thực vật có 567 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 367 chi và 117 họ, phổ biến tại tầng cây bụi có các loại cây trong họ Cau dừa. Đặc biệt, vùng rừng hồ Kẻ Gỗ còn sở hữu hơn 40 loài cây thân gỗ, trong đó có nhiều loài gỗ quý, nhiều loài gỗ có tên trong sách đỏ Việt Nam (như Sến, Lim, Táu,..); nhiều loài cây cảnh quý và đẹp như mộc lan, phong lan,...Trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ là một trong những khu bảo tồn lớn và quan trọng hàng đầu tại Việt Nam.

z6799963833294 b1f9905c0850eaa044bf62f87bd5298e

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ tham gia trồng rừng

Trong thời gian qua, thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, cũng có không ít khó khăn như thời tiết diễn biến phức tạp khó lường; trên địa bàn được giao quản lý có nhiều dự án trọng điểm... Nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp, các ngành, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Lãnh đạo Ban, sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết thống nhất của viên chức và người lao động trong toàn Ban, các chỉ tiêu đề ra luôn đạt và vượt so với kế hoạch.

Ban đã kịp thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến toàn thể viên chức và người lao động; các hộ nhận khoán và cộng đồng dân cư sống gần rừng, ven rừng; tập trung tuyên truyền các văn bản liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phát triển rừng và sử dụng rừng. Đồng thời, Ban đã phối hợp với UBND các xã vùng đệm, Hạt Kiểm lâm trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; ký cam kết BVR, PCCCR với các hộ nhận khoán, các hộ sống gần rừng, ven rừng và các trường học trên địa bàn… nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng của toàn xã hội.

Đảng ủy, Lãnh đạo Ban đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sớm triển khai xây dựng khung kế hoạch hàng tháng, hàng quý, cả năm; xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ từ đó đề ra các giải pháp phù hợp; tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, đã phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí lãnh đạo; các phòng, bộ phận, các trạm một cách rõ ràng, gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Về công tác quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, trong thời gian qua, đơn vị đã triển khai đồng bộ các gải pháp về công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy đến nay đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hàng năm, Ban đều xây dựng và tổ chức thực hiện Phương án BVR-PCCCR và các kế hoạch sát, đúng với tình hình thực tiễn tại đơn vị và các văn bản đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, phối hợp xử lý một cách kịp thời, hiệu quả; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng tại gốc, tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương, Hạt kiểm lâm các huyện trên địa bàn tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng nắm bắt tình hình để xử lý kịp thời các vụ vi phạm; tổ chức ký kết Quy chế phối hợp, kế hoạch bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các chủ rừng giáp ranh,...

Hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái. Trong những năm qua số lượng khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ngày một tăng dần, chủ yếu là tham quan, ngắm cảnh. Tuy vậy hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng hầu như chưa có, các hoạt động du lịch sinh thái đang mang tính chất tự phát; nguồn thu từ các hoạt động du lịch sinh thái hầu như không đáng kể.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng hiện có của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, cần phải xây dựng chương trình du lịch hồ Kẻ Gỗ gắn kết du lịch sinh thái của Hà Tĩnh một cách hài hoà và có hiệu quả, nhằm đưa ngành du lịch của tỉnh Hà Tĩnh nói chung, du lịch sinh thái của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ nói riêng trở thành chương trình mũi nhọn trong công tác ổn định, phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng nền văn hoá của tỉnh nhà. Nhà nước cũng cần có chính sách đầu tư hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch sinh thái để khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Khu bảo tồn, từng bước đưa hoạt động du lịch sinh thái trở thành một trong những hoạt động chính, bổ sung nguồn thu phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

z6799964739111 6a32fb3ea2d85b40713f6d2175231599

Tác giả (bên phải) tham gia trồng rừng trong khuôn viên đền thờ AHLS ở lòng hồ Kẻ Gỗ

Trong thời gian qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được biết đến nhiều hơn khi dự án xây dựng đền thờ anh hùng liệt sỹ tại lòng hồ Kẻ Gỗ được triển khai. Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, để phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kế hoạch xây dựng tuyến đường chiến lược 21, 22 và sân bay dã chiến Libi tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ ngày nay đã được tiến hành, trở thành một huyết mạch giao thông mới chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tuy nhiên, vào ngày 07/01/1973, không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích ác liệt vào sân bay dã chiến Libi, gây ra thương vong rất lớn cho phía ta. Và rồi, khi hòa bình lập lại, với mong muốn xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ nhanh nhất có thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, Nhà nước đã quyết định triển khai công trình này vào năm 1976. Khi công trình hoàn thành và bắt đầu tích nước, mặt trận xưa cũng dần chìm vào lòng hồ, nhiều ngôi mộ của bộ đội và thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng hồ.

Năm 2020, thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân xã Cẩm Mỹ, thân nhân các anh hùng liệt sỹ, Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã có văn bản đề xuất được đứng ra vận động tài chính theo hình thức xã hội hóa để xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ. Đề xuất này đã sớm được UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở ngành chức năng chấp thuận, cho phép Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Tạp chí được chủ động triển khai dự án theo hình thức xã hội hóa. Từ thời điểm này, hai cơ quan đã phối hợp, đồng hành chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khởi công dự án vào tháng 7/2022 và từng bước hoàn thiện công trình. Cho đến nay, dự án đã thành công tốt đẹp, trở thành một địa chỉ đỏ về tâm linh để cán bộ và nhân dân trên mọi miền Tổ quốc về dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, đặc biệt là trong các ngày lễ quan trọng của đất nước.

Là cơ quan làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trực tiếp trên địa bàn, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Tạp chí Đầu tư Tài chính và cảm ơn tấm lòng của các nhà tài trợ gần xa để hoàn thành công trình. Chúng tôi cũng đã, đang và sẽ tiếp tục các công việc cần thiết để có thể hoàn thiện công trình, xứng đáng với tầm vóc, vị trí và ý nghĩa lịch sử của mặt trận Kẻ Gỗ cũng như sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ. Hiện nay, công tác quản lý và bảo vệ đền đang được Ban quản lý giao cho Trạm bảo vệ rưng số 1 trực tiếp thực hiện để đảm bảo an ninh an toàn cũng như tính chất trang nghiêm tại đền thờ. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện hệ thống quy định, quy chế, chúng tôi sẽ chuẩn hóa quy trình quản lý và bảo vệ đền thờ để đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu hành hương, dâng hương của đông đảo cán bộ và nhân dân trên cả nước.

Thời gian qua phương tiện tàu, thuyền của đơn vị đang được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, cứu hộ cứu nạn; do đó chúng tôi cũng mong muốn UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để có thể đưa đón bà con nhân dân vào viếng đền thờ, đặc biệt là trong các dịp lễ quan trọng. Hiện nay, vào các dịp lễ quan trọng, rất nhiều người dân muốn vào dâng hương tại đền nhưng điều kiện đưa đón chưa cho phép. Trước mắt, xin được thí điểm việc vận chuyển khách hành hương vào đền thờ để tạo thuận lợi cho người dân thăm hồ và thăm viếng đền, phát huy tốt nhất các giá trị hiện có của đền thờ nói riêng, của Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ nói chung.

z6799965041591 cba44c821aef8cf51019c2a8f42a05a1

z6799965415862 b041fb714da45094c5e283c3480c9d68

Cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance trồng cây trong khuôn viên đền thờ AHLS ở lòng hồ Kẻ Gỗ

Nguyễn Tiến Dũng

Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ