Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, cụ thể. Một trong những hoạt động đã và đang đem lại niềm hy vọng trong việc tìm lại hài cốt liệt sỹ là Ngân hàng gen (AND) liệt sỹ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sỹ đã được chính thức công bố vào tháng 7/2024.

Tìm được hài cốt liệt sỹ là khát khao cháy bỏng của hàng trăm ngàn gia đình Việt Nam hiện nay. Trong nhiều năm qua, bằng nhiều nỗ lực khác nhau, nhiều liệt sỹ đã được “trở về” với gia đình, song cũng không ít liệt sỹ đã được an táng trong tình trạng “chưa xác định thông tin” hoặc vẫn còn đâu đó trên những chiến trường xưa. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng theo thống kê, hiện vẫn còn gần 180 ngàn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Đến tháng 7/2024, phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Định danh hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên, trong đó, phương pháp giám định bằng ADN được coi là cốt lõi, nhất là với hài cốt thiếu thông tin, không thể định danh bằng phương pháp thực chứng. Giai đoạn 2000-2003, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã nghiên cứu các kỹ thuật tách ADN từ mẫu hài cốt và mẫu lưu bảo tàng cho mục đích phân tích gene. Các kết quả giám định ADN tại Viện Hàn lâm KH&CN là căn cứ khoa học để Chính phủ quyết định đưa công nghệ giám định ADN trở thành một phương pháp khoa học, tin cậy đối với việc định danh hài cốt liệt sĩ chưa biết thông tin.

Năm 2019, Trung tâm Giám định ADN thuộc Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động, đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh liệt sĩ, đánh dấu việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ ADN trong giám định hài cốt tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Trung tâm Giám định ADN là một trong 3 đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh các mẫu hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin. Thời điểm sơ khai, mỗi tháng đơn vị chỉ chạy được vài mẫu. Đến nay, công suất giám định mỗi năm của Trung tâm đạt mức 4.000 mẫu và có thể nâng lên con số 7.000 mẫu hài cốt liệt sĩ.

Quá trình giám định ADN hài cốt hiện đang gặp phải nhiều thách thức lớn như các mẫu hài cốt bị phân hủy cao do thời gian chiến tranh kết thúc đã lâu, nhiều trường hợp thiếu các thông tin thực chứng bổ sung, do đó rất cần phải có một quy trình công nghệ giám định ADN mới có độ tin cậy và hiệu quả cao để thay thế quy trình công nghệ hiện đang sử dụng. Hiện nay, với sự phát triển công nghệ phân tích hiện đại bằng máy giải trình tự gen thế hệ mới kết hợp công nghệ phân tích vi sinh học, thế giới đã áp dụng công nghệ giám định ADN mới, gọi là phân tích theo gene nhân. Tiếp cận theo hướng này, Viện Công nghệ Sinh học đã triển khai các nhiệm vụ như giải trình tự thế hệ gen tham chiếu người Việt, làm cơ sở thông tin tham chiếu, phục vụ cho công tác giám định ADN xương cổ và ADN người Việt. Một dự án ODA về nâng cao năng lực giám định ADN hài cốt liệt sĩ đã được phê duyệt, mở ra những bước tiến mới với kỳ vọng tăng hiệu quả của công tác giám định. Theo đó, Trung tâm Giám định ADN và Ủy ban quốc tế về Tìm kiếm người mất tích (ICMP) phối hợp phát triển và tối ưu các công nghệ phân tích ADN mới. Viện Công nghệ sinh học đã cử đoàn công tác mang 100 mẫu hài cốt liệt sĩ sang Hà Lan triển khai tách chiết ADN nhân và thực hiện giám định bằng công nghệ mới. Cùng với đó, chuyên gia Hà Lan cũng sang Việt Nam thực hiện nhiệm vụ hai bên đang triển khai.

Trong giai đoạn tới, Trung tâm Giám định ADN sẽ hoàn thiện cơ sở vật chất trên cơ sở tiếp nhận máy giải trình thế hệ mới trong khuôn khổ dự án được tài trợ cho Việt Nam. Đồng thời cải tiến, ứng dụng công nghệ mới vào công tác giám định, nghiên cứu tối ưu thử nghiệm các phương pháp khác nhau trên nền tảng nội lực của cán bộ và tiếp thu công nghệ từ Ủy ban Quốc tế về Người mất tích. Bên cạnh đó, Viện cũng tăng cường hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, gửi cán bộ sang Hà Lan tiếp nhận công nghệ, tham gia công tác giám định từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á, Cơ quan Kiểm kê Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ để học hỏi, hoàn thiện công nghệ.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25 ngàn dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân. Từ kết quả này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (giờ là Bộ Nội vụ) phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Vẫn theo cơ quan này, việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin gồm khoảng 600 ngàn người, đây là cơ sở để lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ.

Hiện nay, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an đang triển khai dự án triển khai Luật Căn cước, trong đó, xây dựng Cơ sở dữ liệu Căn cước có dữ liệu thông tin ADN nhằm phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Bộ Công an đã đề xuất chính phủ về chủ trương thực hiện phân tích thông tin ADN cho toàn bộ thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin để tạo lập kho dữ liệu lớn về ADN của thân nhân liệt sĩ để đối sánh, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ chưa xác định thông tin (dự kiến thực hiện mỗi gia đình là 2 mẫu với tổng thân nhân khoảng 1 triệu mẫu). Với kho dữ liệu phổ quát này chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng việc tìm kiếm và xác minh thân nhân sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn. Đây sẽ là cơ hội để gia đình các anh hùng, liệt sĩ có thể tìm thấy được các liệt sỹ.

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan ban hành những nội dung cụ thể trong việc rà soát thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin như: Xác định các thân nhân theo mức độ ưu tiên gần kề. Với nội dung này sẽ tiếp cận ngân hàng gen ở các đầu mối như: Mẹ đẻ liệt sĩ; Mẹ đẻ của mẹ đẻ (bà ngoại ruột) của liệt sĩ; Anh chị em cùng mẹ đẻ với liệt sĩ; Bác, cậu, dì là anh, chị, em ruột của mẹ liệt sĩ (cùng mẹ đẻ); Anh, em, con của chị gái, em gái mẹ đẻ liệt sĩ; Con của chị gái, em gái của liệt sĩ để thực hiện thu mẫu thông qua người hưởng trợ cấp hàng tháng của liệt sĩ. Hiện, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã gửi mẫu phiếu thu thập thông tin và hướng dẫn quy trình, phần mềm thực hiện đồng bộ thực hiện sau ngày 27/7/2024. Riêng đối với Công an tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, đã thực hiện thu mẫu trước ngày 27/7/2024 cho thân nhân liệt sĩ và tri ân nhân ngày 27/7/2024.

Với cách tiếp cận này, niềm hy vọng tìm lại được các liệt sỹ, trả lại tên tuổi cho các liệt sỹ sẽ trở nên hiệu quả hơn trong thời gian tới. Trên thực tế, ngay tại mặt trận lòng hồ Kẻ Gỗ, khi cất bốc các ngôi mộ liệt sỹ, các cơ quan chức năng cũng không xác định được thông tin do có những ngôi mộ đã chìm xuống lòng hồ trong nhiều năm liền. Trong khi đó, khi chúng tôi tìm về Hà Nam để xác minh, đối chiếu thông tin tại các gia đình liệt sỹ thì đều cảm nhận được khát khao cháy bỏng của các gia đình trong việc tìm được mộ phần của các liệt sỹ, dẫu chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ.

Thu Hà