Việc đền ơn đáp nghĩa là một nghĩa cử mang ý nghĩa sâu sắc, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động chăm lo cho các gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh, và những người có công với cách mạng, việc xây dựng đền đài, khu tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Các công trình này không chỉ là nơi để tưởng nhớ, mà còn là biểu tượng ghi dấu lịch sử, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về giá trị của hòa bình và sự hy sinh cao cả.

     Một trong những công trình in đậm trong tôi với những cảm xúc sâu lắng trong lòng, đó là dự án xây dựng Đền thờ Anh hùng, liệt sĩ tại lòng Hồ Kẻ Gỗ. Tôi còn nhớ như in, cách nay gần hai năm, vào ngày 27/8/2023, khi có duyên đặt chân đến Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ, đúng dịp khánh thành công trình. Đó là một ngày đầu thu trời cao xanh ngắt, gió thổi nhẹ, khi ánh nắng vàng trải dài trên mặt nước mênh mông của hồ Kẻ Gỗ, phản chiếu hình ảnh ngôi đền mới khánh thành, mái ngói đỏ tươi với dáng vẻ trang nghiêm vừa gần gũi vừa xúc động. Đứng trước ngôi đền, tôi cảm nhận được sự hòa quyện giữa thiên nhiên hùng vĩ và ý nghĩa tâm linh sâu sắc, như một lời nhắc nhở về những tháng ngày gian khó nhưng đầy hào hùng của dân tộc. Với tôi, đó là nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa những mất mát đau thương và khát vọng hòa bình, giữa lòng biết ơn của thế hệ hôm nay và trách nhiệm gìn giữ cho mai sau.

Không khí hôm ấy thật đặc biệt – vừa tĩnh lặng để tưởng nhớ những người đã khuất, vừa rộn ràng bởi niềm tự hào của những người tham dự, từ phía Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên, từ phía các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, đến những người dân địa phương và cả những vị khách như tôi, đến để chứng kiến một cột mốc ý nghĩa trong hành trình tri ân lịch sử.

z6786034354802 4364eb483f6362d26db735babd74dae1

Tác giả tham gia dâng hương tại đền thờ trong lễ khánh thành ngày 28/7/2023

Một hành trình tri ân đầy xúc động

Hồ Kẻ Gỗ không chỉ là một công trình thủy lợi nổi tiếng của Hà Tĩnh, là nguồn nước tưới tiêu cho hàng ngàn hecta đất nông nghiệp của các huyện Cẩm xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh, mà còn là chứng nhân lịch sử, nơi các tuyến đường chiến lược 21, 22 và sân bay dã chiến Libi từng là những điểm nóng hứng chịu đạn bom trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chính tại đây, hàng trăm liệt sĩ đã ngã xuống, để lại máu xương hòa vào đất mẹ, nhiều người trong số đó vẫn chưa được xác định đầy đủ danh tính. Hình ảnh những tấm bia đá khắc tên các liệt sĩ được đặt ngay ngắn trong khuôn viên đền. Đó không chỉ là những dòng chữ giản đơn, mà mỗi cái tên còn là một câu chuyện dài, như một số phận, một cuộc đời đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tôi đứng đó, lặng người trước những tấm bia, cố gắng hình dung về những con người ấy – họ có thể là những chàng trai trẻ măng đang ở độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, những cô gái thanh niên xung phong tóc hãy còn xanh vừa mới rời xa gia đình, những dân quân du kích địa phương “tay cày, tay súng”, hoặc những người lính dày dạn, mang trong mình những ước mơ, lý tưởng cháy bỏng… Dù là ai, phía sau lưng họ đều có một điểm chung là Tổ quốc và nhân dân và phía trước họ là sự hy sinh không mảy may toan tính. Họ chính là những người tạc nên hồn thiêng dáng hình đất nước, được kết tinh ở những câu đối trong đền: “Thể phách gửi núi sông, mãi mãi tuổi xanh cùng đất nước/Linh hồn quy đất mẹ, đời đời gương sáng với nhân dân”… Văng vẳng trong tôi tiếng chuông đền thờ vang lên trầm bổng, hòa cùng khói hương lan tỏa theo gió thổi bay lãng đãng trên mặt hồ, như lời thì thầm đâu đây từ quá khứ vọng về: “Trận địa Li Bi vạn thuở lưu danh anh hùng thiên cổ/Công trình Kẻ Gỗ ngàn năm vun đắp hạnh phúc tương lai”… Kia là các cựu chiến binh, tóc đã bạc, mắt nhòa lệ, đứng trước đền thờ để tưởng nhớ đồng đội. Tôi thấy họ nắm tay nhau, kể lại những câu chuyện xưa, về những ngày hành quân dưới bom đạn xây dựng sân bay, về những lần chia tay không lời hẹn gặp lại. Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra rằng Đền thờ hồ Kẻ Gỗ không chỉ là nơi tưởng niệm, mà còn là nơi để những người sống sót gửi gắm nỗi lòng, chữa lành vết thương chiến tranh còn găm lại trong tâm hồn.

Tâm huyết của những người xây dựng đền thờ

Điều khiến tôi luôn cảm động là câu chuyện về quá trình xây dựng đền thờ. Tôi được biết, ý tưởng xây dựng đền thờ có từ năm 2011 – 2012 từ một ngôi miếu nhỏ và sau này công trình được khởi công từ tháng 7/2022, với kinh phí gần 10 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Không có ngân sách nhà nước, không có những khoản tài trợ lớn từ bên ngoài, mà chỉ có sự đóng góp từ những tấm lòng uống nước nhớ nguồn – từ các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, anh chị em đội ngũ phóng viên, biên tập viên, từ người dân địa phương, các nhà hảo tâm, đến những cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ… Đó là minh chứng sống động cho tinh thần đoàn kết, cho lòng biết ơn không lời của con người Việt Nam đối với những người đã hy sinh.

Những người tham gia xây dựng đền thờ, từ kiến trúc sư, kỹ sư, đến công nhân, đều làm việc với một tâm thế đặc biệt. Họ không chỉ xây một công trình vật chất, mà còn dựng nên một nơi linh thiêng, nơi thế hệ hôm nay và mai sau có thể tìm về để tri ân. Tôi nghe kể rằng, trong quá trình thi công, có những ngày mưa gió, đường sá khó khăn, nhưng không ai nản lòng. Ai cũng tâm niệm rằng, đây là công việc đền ơn các anh hùng liệt sĩ, những người đã không tiếc máu xương để bảo vệ đất nước. Nghe những câu chuyện ấy, tôi không khỏi xúc động, bởi đó là minh chứng cho sự tiếp nối của tinh thần yêu nước, của trách nhiệm lịch sử qua từng thế hệ.

Quá trình thực hiện Dự án đền thờ, sự đóng góp tâm huyết rất đáng ghi nhận của Tạp chí Đầu tư Tài chính. Theo hồ sơ thiết kế, tổng mức đầu tư xây dựng công trình khoảng 10 tỷ đồng. Ở giai đoạn I của dự án, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã vận động được tổng cộng gần 6,5 tỷ tiền mặt và vật liệu quy đổi để chuyển về cho Ban Quản lý dự án triển khai xây dựng công trình. Tháng 6/2024, Tạp chí Đầu tư Tài chính và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã ký biên bản xác nhận công việc, trong đó ghi nhận đầy đủ, chi tiết toàn bộ quá trình triển khai dự án để làm cơ sở cho các công việc tiếp theo. Ở giai đoạn II, Tạp chí Đầu tư Tài chính nỗ lực huy động phần tiền còn lại bằng nguồn xã hội hóa để triển khai các hạng mục xây dựng và hạng mục phi vật thể bên trong đền. Giai đoạn II của dự án sẽ được hoàn thành hướng tới đại lễ khánh thành chính thức vào dịp 50 năm ngày thống nhất đất nước. Đó sẽ là một cột mốc ý nghĩa, khi công trình không chỉ hoàn thiện về mặt hình thể, mà còn trở thành biểu tượng của lòng biết ơn và sự thống nhất đất nước – điều mà các liệt sĩ năm xưa đã hy sinh để đổi lấy.

Ý nghĩa sâu sắc nhân 50 năm thống nhất

Kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước là dịp để cả dân tộc nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ hòa bình, thống nhất. Với tôi, Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ mang một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh này. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, hòa bình hôm nay không phải là điều hiển nhiên, mà là kết quả của bao mất mát, hy sinh. Những liệt sĩ ngã xuống tại sân bay Libi, trên các tuyến đường chiến lược, hay ở bất kỳ chiến trường nào trên dải đất hình chữ S, đều là những người đã viết nên bản anh hùng ca của dân tộc.

Đứng trước đền thờ, tôi không chỉ cảm nhận được sự trang nghiêm, mà còn thấy một luồng khí thiêng liêng, như thể linh hồn các liệt sĩ vẫn đang hiện diện, dõi theo đất nước hôm nay. Họ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, khi đất nước còn ngập trong khói lửa, để thế hệ chúng ta được sống trong tự do, được chứng kiến một Việt Nam ngày càng phát triển từng bước tiến vào kỷ nguyên mới, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong ước. Vì thế, mỗi lần nghĩ về công trình này, tôi lại tự nhủ rằng, trách nhiệm của mình – và của tất cả chúng ta – không chỉ là tri ân, mà còn là gìn giữ và xây dựng đất nước xứng đáng với những hy sinh ấy.

Lời kết

Khi viết những dòng này, tôi như sống lại khoảnh khắc đứng trước Đền thờ hồ Kẻ Gỗ cách nay gần hai năm. Cảm giác ấy vẫn vẹn nguyên: sự kính phục, lòng biết ơn, và cả niềm tự hào xen lẫn trách nhiệm. Tôi tin rằng công trình này sẽ càng tỏa sáng, không chỉ như một nơi tưởng niệm, mà còn như một ngọn lửa tinh thần, thắp sáng lòng yêu nước và ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam. Với tôi, đó là món quà quý giá nhất mà các anh hùng liệt sĩ, cùng những người xây dựng đền thờ, đã để lại cho hôm nay và mai sau.

TS. Lê Minh Nghĩa

Chủ tịch Hiệp hội tư vấn tài chính Việt Nam