Tuy từng cá nhân các thành viên trong đoàn chưa được đặt chân đến đây lần nào nhưng cả hai lần tới, mỗi một lần lại là một trải nghiệm vô cùng khác nhau và lần nào cũng tràn đầy cảm xúc.
Lần đầu tiên, đoàn chúng tôi được đặt chân tới công trình đền thờ Liệt sỹ Hồ Kẻ Gỗ là vào một ngày hè tháng 7 vô cùng nắng, tôi nhớ chỉ cách sau đó vài ngày là tới kỉ niệm 76 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/07/1947 – 27/07/2023).
Từ trước tới giờ trong tâm trí tôi, Hồ Kẻ Gỗ thực sự là một nơi xa xôi và khó đến. Bình thường chúng tôi khi tới đến đất miền Trung một năm cũng đôi ba lần nhưng xa nhất cũng chỉ đến Nghi Xuân là quay đầu. Vì điều kiện thời gian không cho phép và sức khỏe trong đoàn có nhiều người lớn tuổi, lại đi vào thời tiết nắng nóng nên ít khi chúng tôi đi cùng nhau vào sâu hơn chứ chưa bao giờ nghĩ rằng có một ngày lại được đặt chân đến tận nơi thăm quan chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc như thế này.
Thế hệ thanh niên chúng tôi được biết đến hồ Kẻ Gỗ chủ yếu qua các hình ảnh phóng sự trên tivi, qua những câu chuyện viết nên trong lịch sử hoặc được nghe qua lời kể của các ông cha thế hệ đi trước. Chúng tôi cũng rất ấn tượng với những dòng thơ vô cùng xúc động viết về tình đồng đội, đồng chí đã được phổ nhạc của cựu chiến binh Lê Bá Dương đã xuất thần ứng khẩu:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ.
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi hòa sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”
Tất cả chỉ vậy thôi, chủ yếu là hình dung, tưởng tượng mà chưa ai được một lần đến tận nơi để mắt tai nghe, để một lần cho hơi thở và con tim của chính mình được chạm nhịp ở một thế giới vô hình vô cùng linh thiêng như ở Hồ Kẻ Gỗ.
Mãi về sau khi bén duyên, đoàn chúng tôi được biết đến các anh chị trong Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ dẫn tới đây để thăm quan cũng như được tận tay dâng hương tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống ở trận chiến khốc liệt này.
Đúng là hình dung không giống như thực tế, chúng tôi nghĩ thế nào thì cũng không tưởng tượng được một nơi đã từng diễn ra những trận chiến ác liệt như vậy trong thời kháng chiến chống Mỹ lại hiện lên với cảnh đẹp và nhiều nét thanh bình đến vậy.
Tháng 7 cũng là mùa nước cạn, trời xanh nắng vàng quên với màu nước hồ xanh rì không khác gì một bức tranh thủy mặc. Cũng chính vì mùa cạn, nước rút nên toàn bộ dấu ấn của trận chiến sân bay Libi với những hố bom to nhỏ lớn bé với nhiều hình thù kì quái khác nhau đều hiện lên nguyên vẹn.
Thời khắc chạm nhịp nhất có lẽ chính là khoảng khắc ngay sau khi chúng tôi bước chân xuống khỏi thuyền và đi bộ được vài bước chân, khi tận mắt mọi người chứng kiến quang cảnh tạo hóa đẹp và hung vĩ đến vậy bị tàn phá bởi những hố bom vằn vện vẫn còn loang lổ nước. Phút giây ấy tất cả đều lặng đi…
Đến giờ tôi cũng không thể tả lại chính xác cảm xúc nguyên vẹn của thời khắc đó đã diễn ra như thế nào. Cũng không hiểu tại sao vào giờ phút ấy có gì mà làm tất cả mọi người lại ngưng đọng đến thế? Chỉ biết rằng trong một tích tắc trên khóe mắt của rất nhiều người đều thấy cay xè, cảnh vật lúc đó không còn rõ nữa mà tất cả đều nhòe hết đi…
Không chỉ gia đình tôi mà trong đoàn hầu hết các gia đình đều có người thân tham gia mặt trận. Mà thường đã đi lính – người về thì ít, người hy sinh thì nhiều. Có những người lính hy sinh nhưng gia đình, dòng tộc còn được nhận lại hài cốt, được trao trả những kỉ vật họ mang theo nhưng cũng có những chiến sỹ đã hy sinh ở chiến trường như ông ngoại tôi, mất xác và không có bất cứ một di vật hay hài cốt nào được tìm thấy.
Có lẽ chính phút giây được cộng dồn bởi sự xúc động, nỗi nhớ thương, sự nghẹn ngào kìm nén trong bao nhiêu năm đi tìm mà không thấy mộ thân nhân khi chúng tôi được đặt chân đến một chiến trường cam go khi xưa như Hồ Kẻ Gỗ đã làm dâng lên cảm xúc vỡ òa khó tả khôn cùng.
Từ những người lớn tuổi đến đám thanh niên như chúng tôi đều ném vào khoảng không vô định ở nơi này những nỗi niềm riêng, những tiếng thở dài, những thổn thức như vừa tìm được cái gì đó thiêng liêng lắm.
Tại cột cờ Tổ quốc, chúng tôi không ai bảo ai mà cùng nhau lần lượt chạm vào như một lời chào hỏi đặc biệt thay cho một cái bắt tay, như một lời biết ơn gửi đến các ông, các bác các chú là những người đại đội trưởng, các trung đoàn trưởng, các tiểu đội trưởng cùng các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng cho nền hòa bình của đất nước để rồi vĩnh viễn bao nhiêu đã nằm lại mảnh đất này. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời đầy nắng và gió ngày hôm ấy, thực sự ngắm nhìn từ góc nào cũng thấy đẹp và xúc động vô cùng.
Chúng tôi lặng lẽ bảo nhau đi dâng hương ở cả 2 đền thờ cũ và mới, cùng đi thật nhẹ, cùng nói thật khẽ, làm sao để cố gắng không làm kinh động đến chân linh các anh hùng vẫn còn nằm sâu ở dưới tầng tầng lớp lớp mảnh đất này.
Mới tới lần đầu thấy khó khăn là thế thì chúng tôi mới lại càng cảm phục tâm huyết của các anh chị trong ban Ban duy tu kiến thiết khu đền thờ này. Ở một nơi mà “đất cày lên sỏi đá, quá khó khăn cả về vị trí địa lý lẫn tất cả mọi thứ, vậy mà mọi người phải có một tâm huyết lớn đến thế nào, có một sự trợ lực vô hình khủng đến ra sao thì mới thấy sự đoàn kết và quyết tâm vượt qua được để gây dựng được một chốn thờ cúng trang nghiêm và đàng hoàng đến thế.
Từng chi tiết to như lư hương, bàn thờ đá, đèn thờ đá lộ thiên đến những chi tiết nhỏ trong đền như ban thờ, chuông, trống, án thờ… đều được mọi người để ý làm rất tỉ mỉ. Thời điểm này các anh chị kể với chúng tôi rằng công trình chưa được hoàn thiện 100% nhưng nhìn bề nổi như hiện tại cũng đã thấy một sự nỗ lực và cố gắng vượt bậc đến từ các thành viên trong công cuộc kêu gọi xây dựng nơi này là như thế nào.
Giữa tháng 11/2023, sau 4 tháng kể từ lần đầu tiên đến đây, đoàn chúng tôi có cơ duyên quay lại viếng thăm Hồ Kẻ Gỗ một lần nữa. Lần này là vào mùa nước lên nên những hố bom lần trước nhìn rõ thế lần này đã bị nhấn chìm hoàn toàn trong biển nước. Do nước dâng cao sát đến tận chân khu đền thờ nên khoảng cách chúng tôi phải di chuyển từ thuyền xuống đi bộ vào đền là vô cùng ngắn.
Mỗi một thời khắc ghé thăm nơi đây chúng tôi lại cảm thấy độ khác biệt rõ rệt về quang cảnh cũng như sự chỉnh chu trong cách quản lý của Ban xây dựng Đền. Các hạng mục xây dựng đã hoàn thiện hơn rất nhiều làm cho cảnh sắc nơi Đền thờ càng ngày càng khang trang và tôn kính.
Bằng một phần nhỏ công đức xin được đóng góp xây dựng khu đền thờ, số tiền chúng tôi quyên góp được so với các tổ chức xã hội khác thì có lẽ chỉ bằng 1 hạt cát nhưng tôi nghĩ hơn cả những giá trị về vật chất, đó chính là cái tâm hiếu kính của đoàn, của thế hệ trẻ ngày nay. Dù chỉ góp sức từ hàng gạch nhỏ lát sân thôi cũng đều nói lên lòng biết ơn vô vàn với những hy sinh to lớn của bao lớp người đi trước cho nền hòa bình của cả một dân tộc. Đó mới là cốt lõi cần phát huy và lan tỏa, đó mới làm nên những giá trị trường tồn vĩnh cửu với thời gian.
Một lần nữa xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Tạp chí Đầu tư Tài chính đã gieo duyên để đoàn chúng tôi có cơ duyên được đến viếng thăm và đóng góp một phần nhỏ xây dựng cho đền. Chúc các anh chị sẽ gặt hái thêm được nhiều thành tựu trong các công việc xây dựng chốn phụng thờ tâm linh đặc biệt này!
Nguyễn Thị Ngọc Quý