Vào những năm 2010, với đam mê khám phá cảnh đẹp thiên nhiên của quê nhà, tôi đã tìm đến hồ Kẻ Gỗ. Lúc đó, anh Nguyễn Tiến Dũng bạn học phổ thông của tôi là cán bộ Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (nay là Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ) đã hỗ trợ tôi trong quá trình tham quan, khám phá hồ Kẻ Gỗ. Đặc biệt, tại đây tôi đã gặp anh Lê Văn Thuần là người dân bản địa, sinh ra và lớn lên bên hồ Kẻ Gỗ, đã chứng đầy đủ quá trình xây dựng hồ Kẻ Gỗ và lịch sử của vùng đất này, anh Thuần làm nghề hái lá thuốc, đánh cá, chăn thả gia súc trong khu bảo tồn nên thời gian anh ở trong lòng hồ Kẻ Gỗ còn nhiều hơn ở nhà. Anh Thuần kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về quá trình xây dựng hồ Kẻ Gỗ và những câu chuyện trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là một huyết mạch giao thông quan trọng gắn với sự hy sinh xương máu của biết bao thanh niên xung phong, bộ đội và các lực lượng khác. Sân bay Libi là một điển hình về sự hy sinh đó, bây giờ vẫn còn dấu tích nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ và nơi đây đã trở thành một địa điểm rất linh thiêng, mỗi người dân nơi đây trước khi vào rừng làm việc gì đều qua đây thắp nén hương để tưởng nhớ và cầu mong chuyến đi được bình an.
Từ khi hiểu thêm những câu chuyện tại hồ Kẻ Gỗ, mỗi khi có khách ở xa về tôi đều giới thiệu và dẫn họ đến tham quan hồ Kẻ Gỗ, trong nhiều lần lên đây tôi được đi cùng anh Nguyễn Phi Công, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn, là người luôn đau đáu trong lòng về những hy sinh của bao nhiêu lực lượng nơi đây mà lịch sử chưa có một sự ghi nhận, ghi danh rõ ràng, tương xứng. Từ đó anh dành nhiều thời gian đi tìm hiểu về hồ sơ từ các cơ quan, đi tìm các nhân chứng để xác định danh sách liệt sĩ. Anh đã đi rất nhiều tỉnh từ Bắc tới Nam, dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho công việc tìm kiếm thông tin về những người đã tham gia chiến đấu tại sân bay Libi năm đó. Mỗi lần có được một manh mối, gặp được một nhân chứng anh lại vui mừng, phấn khởi khôn xiết và lại có thêm động lực để tiếp tục thu thập thông tin. Anh Công cũng bày tỏ khát khao lập một nơi để thờ tự, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại dưới lòng hồ Kẻ Gỗ nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.
Tác giả (bên phải ngoài cùng) cùng bạn bè tại Lễ khởi công đền thờ ngày 18/7/2022
Trong một lần dẫn bạn tôi, Nhà báo Hoàng Anh Minh tham quan hồ Kẻ Gỗ, chúng tôi đã kể cho anh Minh nghe những câu chuyện nơi đây, chuyện sân bay Libi và mong muốn lập một nơi thờ tự, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đây. Tôi đề nghị anh Hoàng Anh Minh viết một bài báo giới thiệu về lịch sử sân bay Libi để mọi người biết đến lịch sử nơi đây, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và mong muốn xây dựng một khu tưởng niệm để mọi người biết đến và các nhà hảo tâm tham gia quyên góp xây dựng công trình này. Nhà báo Hoàng Anh Minh trả lời tôi rằng đã như vậy tôi sẽ trực tiếp đứng ra kết nối, vận động các nhà hảo tâm và trực tiếp tổ chức xây dựng công trình tưởng niệm một cách bài bản, sao cho xứng tầm với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Anh Minh nói mình làm báo cũng làm nhiều chương trình tự thiện rồi nhưng lần này muốn dốc sức làm một việc gì đó tại quê nhà và đặc biệt là để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Từ đó các bàn tay được kết nối, anh Nguyễn Phi Công ra sức tìm kiếm thông tin, anh Hoàng Anh Minh ra sức kết nối, vận động quỹ xây dựng công trình, và các công việc triển khai dự án như khảo sát, thiết kế… anh Minh có nói với tôi rằng đã hứa với các anh, các chị thì phải cố gắng hết sức, và cũng như có các anh các chị phù hộ nên công việc từng bước tiến triển, sau 5 năm bắt đầu triển khai vận động kết nối, 3 năm triển khai xây dựng, tuy cũng có nhiều khó khăn nhưng đến nay với sự phối hợp của ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên kẻ Gỗ và các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã xây dựng thành công khu tưởng niệm khang trang như hiện nay. Đó là một sự gặp gỡ, kết nối của những tấm lòng yêu nước, thầm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
Nguyễn Tuấn Tùng