Là một nhân sự của Tạp chí Đầu tư Tài chính, tôi có cơ duyên biết đến Kẻ Gỗ lần đầu tiên qua dự án xây dựng Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ giữa lòng hồ. May mắn được theo sát hành trình từ những ngày đầu, tôi được lắng nghe những câu chuyện hào hùng từ thời chiến đến thời bình, dõi theo những khó khăn, vất vả mà Tạp chí cùng Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã trải qua để hoàn thiện công trình một cách trọn vẹn nhất.

Tôi nhiều lần có cơ hội được về với Kẻ Gỗ, mỗi lần đều mang một xúc cảm khác nhau, nhưng có 2 chuyến đi khắc sâu trong tôi những ấn tượng không thể quên.

Lần đầu tiên là vào một ngày đầu năm sát Tết Âm lịch, trời lạnh buốt. Đoàn Tạp chí Đầu tư Tài chính khởi hành từ sáng sớm, khi bầu trời vẫn còn tối đen không thấy đường. Hồ Kẻ Gỗ nằm giữa các sườn đồi hoang vắng. Càng tiến sâu về phía hồ, cảnh vật càng trở nên hoang sơ và tĩnh mịch hơn. Vừa bước xuống khỏi xe, làn gió lạnh liền ập đến, mang theo không khí trong lành cùng chút mùi đất, mùi cỏ cây, tạo cảm giác yên bình khó tả.

Hồ Kẻ Gỗ trải rộng mênh mông, bát ngát như một dòng sông, mặt hồ xanh ngát phẳng lặng như tấm gương khổng lồ phản chiếu cả bầu trời. Lớn lên ở Thủ đô, đây là lần đầu tiên tôi được thấy một mặt hồ rộng lớn và trong xanh đến vậy. Để tiến vào trong đền, chúng tôi chuyển sang một chiếc thuyền máy, bắt đầu hành trình đi sâu vào lòng hồ.

Sau cả tiếng lênh đênh trên thuyền, hình ảnh ngôi đền dần hiện ra. Thuyền cập bến sát bậc thang dẫn lên đền. Ngay khi đặt chân xuống nền gạch chắc chắn, nhìn tận mắt công trình đã được dồn toàn lực xây dựng trong hơn 1 năm, tôi thầm cảm phục những người ngày đêm miệt mài chuyển từng viên gạch, đặt từng tấm bia. Ngôi đền mang một vẻ trang nghiêm, thành kính, bốn xung quanh cây cối bao bọc. Mái đền cong vút được nâng đỡ bởi những hàng cột vững chãi. Ngay ở khu vực khoảng không bền ngoài đền là những tấm bia đá, một bên khắc ghi tên các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, một bên là câu chuyện kể lại sự ra đi đầy oai hùng của họ để bảo vệ mảnh đất này.

z6819483578497 96c8583ed50a43e148fdcda4bbc97189

Quan sát từng cái tên được khắc trên đá, bên cạnh đề rõ năm sinh, năm mất, lòng tôi chợt trào lên một cảm giác khó tả. Họ đều là những chàng trai tuổi đôi mươi, mang trong tim lý tưởng cao đẹp, không ngại hy sinh để giữ vững độc lập, tự do.

Theo câu chuyện được kể lại, dưới lòng hồ rộng lớn kia từng là vết tích của một chiến sự đầy khói lửa. Lòng hồ Kẻ Gỗ trong quá khứ chính là Sân bay dã chiến Libi, huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam giai đoạn những năm 1973. Thế nhưng, chưa kịp triển khai chi viện, sân bay Libi đã bị tập kích bởi không quân Mỹ. Hàng trăm tấn bom đạn rải xuống liên tục san bằng cả khu vực, lấy đi sinh mạng của rất nhiều bộ đội và thanh niên xung phong.

Đến năm 2011, đoàn công tác của Công ty TNHH Lạc An (TP. HCM) đã quyên góp xây dựng một ngôi miếu nhỏ nhằm tưởng nhớ các chiến sĩ khi xưa. Sau đó, năm 2022, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã đứng ra vận động tài chính theo hình thức xã hội hóa để xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ, theo mong muốn của rất nhiều người dân xã Cẩm Mỹ cùng thân nhân các Anh hùng Liệt sĩ.

Ngôi đền nằm sâu trong lòng hồ như biệt lập hoàn toàn với thế giới ồn ào ngoài kia. Bước sâu vào trong đền, mùi hương khói lan tỏa khắp không gian, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu lắng ôm trọn cả đoàn người, tạo nên một không gian thiêng liêng. Thắp một nén nhang, tôi mang theo lòng thành kính hướng về các Anh hùng Liệt sĩ. Trong giây phút ấy, tôi cảm nhận được sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người đang sống và những người đã ngã xuống khi xưa. Khói hương bay lên, đem theo cả sự biết ơn của chúng tôi dành cho những người lính năm ấy. Không có sự hy sinh của họ, chúng tôi đã không có được những ngày bình yên như hôm nay.

Sau đó, tôi cùng đoàn Tạp chí lại tiếp tục có dịp về thắp hương tại đền. Ấn tượng nhất là một lần vào giữa cao điểm hè, khi trời oi bức nóng nực đến khó chịu, tôi mới có thêm một góc nhìn hoàn toàn mới lạ về Kẻ Gỗ.

Đó là một ngày giữa tháng 7, trời nắng cháy da cháy thịt, đoàn vẫn như mọi khi, xuất phát từ sáng sớm để kịp giờ di chuyển vào đền. Kẻ Gỗ mùa hè không còn tĩnh lặng với những tiếng ve kêu rợp trời, nhưng vẫn tươi mát và thoải mái hơn nhiều so với khu vực bên ngoài nhờ mặt hồ rộng lớn được bao bọc bởi nhiều cây cối xanh rợp xung quanh.

Vẫn là hành trình di chuyển trên chiếc thuyền máy như ngày trước, nhưng bến đỗ làm tôi sững người trong giây lát. Không còn cập bến sát bậc thềm của Đền, Kẻ Gỗ mùa hè rút nước rất nhiều, thuyền chỉ dừng được ở một bãi đất cách đền khoảng hơn một cây số. Chúng tôi người đem lễ, người bê nước, mỗi người một chân một tay cùng nhau chuyển đồ khỏi thuyền, bắt đầu tiến về phía đền bằng cách… đi bộ. Con đường đất khô nứt nẻ, mặt trời chiếu thẳng từ trên đỉnh đầu xuống, lần đầu tiên về với Kẻ Gỗ vào mùa này, nhiều người trong đoàn đều không mang theo mũ nón, đầu trần chống chọi với cái nắng như đổ lửa giữa trưa hè.

Đi bộ hơn một cây số ở lòng hồ không phải quãng đường quá xa, nhưng đường đi gập ghềnh băng qua những hố sâu đọng bùn khiến chúng tôi liên tục phải tìm đường vòng để di chuyển. Đến sau đó tôi mới biết rằng, những chiếc hố khổng lồ đó không gì khác chính là vết tích của những đợt thả bom dữ dội năm xưa, khiến mặt đất tạo thành những mảng lõm lớn nhỏ. Nếu như những lần trước đó về với đền, tôi biết ơn các anh hùng liệt sĩ vì đã hy sinh đổi lại sự yên bình cho mảnh đất, thì lần này, nhìn những hố bom trải đầy lòng hồ, lòng tôi càng xót thương các anh năm ấy. Những hố bom không chỉ khắc sâu vào lòng đất, mà còn hằn lại trong tâm trí chúng tôi – những người lớn lên trong thời bình, về sự khốc liệt của chiến tranh. Những người lính phải dũng cảm đến nhường nào mới dám xung phong ra chiến tuyến, đối mặt với bom đạn khói lửa, để ngày hôm nay khi đất nước đã hoà bình, các anh lại phải nằm mãi ở nơi đây.

z6819485101624 71c18645b7c5bb6ffbc27d4a10c48469

Toàn cảnh đền thờ nhìn từ trên cao

Cũng là nhờ trải nghiệm lần này, tôi mới thấu hoàn toàn sự vất vả của những người đi xây đền. Để vận chuyển từ những thứ như lư hương, bia đá đến đến từng tấn gạch, tấn xi măng, họ chỉ có một phương tiện duy nhất là thuyền bè. Đến mùa hè nước rút, việc vận chuyển trở nên nặng nhọc và vất vả hơn gấp bội. Thế nhưng họ vẫn ngày đêm miệt mài hoàn thành công trình đúng tiến độ, chỉ với một mục tiêu duy nhất là để những người lính khi xưa không bao giờ bị lãng quên.

Hình ảnh đền thờ dần xuất hiện sau quãng đường đi bộ đầy nhọc nhằn. Lần này, đền để lại trong tôi một hình hài hoàn toàn khác. Không còn đơn thuần là một công trình tri ân, Đền thờ Anh hùng Liệt sĩ tại lòng hồ Kẻ Gỗ đã trở thành biểu tượng của lòng biết ơn, là cầu nối giữa thế hệ cha anh đã ngã xuống và thế hệ con em sau này, nhắc nhở chúng tôi mãi khắc ghi những hy sinh cao cả ấy.

Vân Anh