Đứng trên con thuyền giữa hồ Kẻ Gỗ mênh mang, tôi không khỏi lặng mình khi biết rằng dưới mặt nước yên bình này từng tồn tại một sân bay dã chiến - sân bay Libi. Nơi đây không chỉ là một công trình quân sự mà còn là chứng tích lịch sử, nơi nhiều anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Lòng hồ Kẻ Gỗ đón tôi bằng khung cảnh thanh bình, nước trong xanh in bóng mây trời, cây cối ven hồ rợp bóng mát. Sự hòa quyện của thiên nhiên tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ, chẳng thua kém những hồ du lịch nổi tiếng như Tuyền Lâm ở Đà Lạt. Nhưng dưới vẻ đẹp ấy là chứng tích lịch sử, là những câu chuyện về lòng quả cảm và sự hy sinh gắn liền với sân bay dã chiến Libi.

Sân bay dã chiến Libi là một công trình quân sự được xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hiện nằm dưới lòng hồ Kẻ Gỗ thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Tên gọi “Libi” xuất phát từ khe Libi chảy từ núi ra tại khu vực này. Khu vực hạ lưu khe LiBi có địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho việc xây dựng sân bay, lực lượng quốc phòng đã chọn địa điểm này để xây dựng sân bay dã chiến nhằm hỗ trợ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Việc xây dựng sân bay bắt đầu vào ngày 30/9/1972 với sự tham gia của 92 công nhân kiến trúc và 36 công nhân từ xí nghiệp gạch Cẩm Thành. Đến cuối năm 1972, đầu năm 1973, sân bay cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, trước khi kịp đưa vào hoạt động, sân bay đã bị không quân Mỹ phát hiện và tiến hành đánh phá ác liệt bằng máy bay B-52, gây nhiều thương vong và phá hủy hoàn toàn công trình này.

Các nhân chứng kể lại rằng, để bảo vệ sân bay, nhiều chiến sỹ đã kiên cường bám trụ, sẵn sàng hy sinh. Có những người nằm lại mãi mãi, máu của họ thấm vào từng tấc đất nơi đây. Giờ đây, sân bay Libi đã nằm sâu dưới lòng hồ, nhưng ký ức về sự anh dũng của các anh hùng liệt sỹ vẫn còn mãi.

Năm 2022, thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân xã Cẩm Mỹ, thân nhân các Anh hùng liệt sĩ, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance đã đứng ra vận động tài chính theo hình thức xã hội hóa để xây dựng Đền thờ Anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ. Khi kế hoạch này được triển khai, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã nhận được sự quan tâm về tinh thần và vật chất của rất nhiều đơn vị, cá nhân trên toàn quốc.

Trên con đường dẫn đến đền thờ anh hùng liệt sỹ, tôi cảm nhận được sự linh thiêng và trang nghiêm. Ngôi đền được xây dựng như một biểu tượng tri ân, nơi các thế hệ hôm nay có thể tưởng nhớ và tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống. Bước qua cổng đền, không gian tĩnh lặng làm lòng tôi trùng xuống.

Trong văn hóa Việt Nam, việc thờ cúng anh hùng dân tộc có một ý nghĩa sâu sắc. Từ những ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần cho đến các nghĩa trang liệt sỹ, tất cả đều thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Thờ cúng các anh hùng dân tộc là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt. Đây không chỉ là hành động tôn kính mà còn là cách giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, sự hy sinh và trách nhiệm với quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, đền thờ còn là nơi lưu giữ và truyền tải những câu chuyện lịch sử. Những buổi trò chuyện bên bia đá, những bài văn tế và lễ tưởng niệm giúp quá khứ sống mãi trong tâm thức người Việt.

Đền thờ tại lòng hồ Kẻ Gỗ cũng mang sứ mệnh ấy, để những người đến đây không chỉ tưởng nhớ mà còn hiểu sâu sắc hơn về những hy sinh của cha ông ta.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng đền thờ anh hùng liệt sỹ tại lòng hồ Kẻ Gỗ không chỉ tạo nên một điểm nhấn tâm linh đặc biệt, góp phần làm giàu thêm giá trị văn hóa và lịch sử của khu vực, mà còn có thể trở thành điểm đến đầy ý nghĩa thu hút du khách thập phương. Không gian linh thiêng của đền thờ kết hợp với vẻ đẹp tự nhiên của lòng hồ mang lại trải nghiệm sâu lắng, giúp du khách vừa thư giãn vừa cảm nhận được sự trang nghiêm. Sự hòa quyện giữa yếu tố tâm linh và thiên nhiên tĩnh lặng tạo nên một không gian đặc biệt.

Rời đền thờ, lòng tôi dâng lên những suy tư. Vẻ đẹp thanh bình của hồ Kẻ Gỗ hôm nay có được là nhờ sự đánh đổi bằng máu xương của biết bao anh hùng liệt sỹ. Công trình đền thờ nơi đây như một nốt lặng đầy ý nghĩa giữa bản giao hưởng thiên nhiên, nhắc nhở chúng ta mãi mãi không quên quá khứ hào hùng của dân tộc.

Nguyễn Tùng Lâm