Chiến tranh đã lùi xa, đất nước được hoàn toàn tự do và độc lập, nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc; nhưng những hi sinh mất mát của biết bao thế hệ cha anh đi trước thì không gì có thể đền đáp được.
Nghiêm trang bên Miếu thờ Libi trong ngày lễ
Trong số những hi sinh mất mát đó chúng ta không thể nào quên những dấu tích, linh hồn của những anh hùng đã ngã xuống nơi tuyến lửa đường 21, 22 kiêu hùng và máu xương của những người lính, thanh niên xung phong, công nhân quốc phòng, dân công hỏa tuyến, dân quân tự vệ; cán bộ, công nhân ngành lâm nghiệp và nhân dân địa phương từng tham gia xây dựng, chiến đấu bảo vệ sân bay Libi huyền thoại tại vùng lòng hồ Kẻ Gỗ.
Sân bay dã chiến Libi là một sân bay chiến lược hết sức quan trọng, đặc biệt, có nhiệm vụ chống chiến dịch “Lam Sơn 719” của Mỹ - Ngụy, một chiến dịch leo thang táo tợn với âm mưu lập “vành đai lửa” từ Đèo Ngang sang tận Xê Pôn (Lào), cắt đứt toàn bộ tuyến chi viện của ta vào chiến trường Nam - Trung Bộ và Tây - Nam Bộ. Giặc Mỹ đã tập trung đánh phá xuống khu vực này hàng ngàn tấn bom đạn và đã có không biết bao nhiêu người đã hy sinh nơi mảnh đất này.
Những hố bom còn sót lại
Gắn với lịch sử của sân bay dã chiến Libi là con đường chiến lược 21, 22 huyền thoại, một trong những tuyến lửa khốc liệt trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ bắt nguồn từ Ngã ba Thình Thình tới Đèo Ngang. Thời bấy giờ tuyến đường 1A không còn là tuyến vận tải chính khi không quân Mỹ liên tục cày xới, tàu chiến Mỹ án ngữ ngay Đèo Ngang sẵn sàng nhả đạn, tuyến đường 21, 22 là tuyến đường chiến lược nhằm góp phần "chia lửa” cho Quốc lộ 1A và đường 15, khơi thông mạch máu giao thông Bắc - Nam.
Đầu năm 1971 con đường chiến lược 22 được hoàn thành, phát hiện ra tuyến đường chiến lược này, đế quốc Mỹ đã ngày đêm điên cuồng bắn phá, mặc cho mưa bom, bão đạn, lực lượng TNXP, dân công, bộ đội ở đây đã bất chấp hiểm nguy san lấp mặt đường đảm bảo giao thông thông suốt, cho những chuyến xe kịp thời ra tiền tuyến. Những trận ném bom ác liệt đó đã làm cho hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và bộ đội hy sinh. Với sự hy sinh xương máu của không biết bao nhiêu người, con đường 21, 22 huyền thoại đã góp phần cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Công trình cột cờ Tổ quốc của tuổi trẻ Cẩm Xuyên
Từ năm 1998 đến nay chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đã cất bốc hàng trăm ngôi mộ nằm rải rác trong rừng sâu, dưới đáy hồ, quy tập về nghĩa trang liệt sỹ huyện Cẩm Xuyên nhưng tất cả đều chưa biết tên, hài cốt của các chiến sỹ bị vùi lấp trong các hố bom nên trong quá trình cất bốc có thể hài cốt của người này lẫn lộn với người khác... Hiện nay còn rất nhiều hài cốt các chiến sỹ bị vùi lấp chưa được tìm thấy vẫn còn nằm lại trong rừng sâu, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đang tiếp tục tìm kiếm, Miếu thờ các liệt sỹ cũng được dựng lên trong lòng hồ để tri ân những người đã mất.
Đoàn quy tập hài cốt liệt sỹ dâng hương tại Miếu thờ
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn'', “Ăn quả nhớ người trồng cây” là truyền thống quý báu ngàn đời của người dân Việt Nam, khắc sâu những hi sinh cống hiến của các thế hệ cha ông đi trước đã không tiếc xương máu vì nền tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Hàng năm, dòng người tìm về Miếu thờ Libi trong lòng hồ Kẻ Gỗ để thắp những nén hương thơm, tri ân những chiến sỹ đã ngã xuống nơi mảnh đất thiêng liêng này.