Chứng tích bi tráng
Hồ Kẻ Gỗ là công trình đại thủy nông nằm trong lòng khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Kẻ Gỗ, được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/1976 và đưa vào sử dụng từ ngày 26/3/1979.
Khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ từng là chiến trường ác liệt trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, quân đội đã cho xây dựng sân bay dã chiến Libi và các tuyến đường 21, 22 trong kế hoạch bí mật nhằm tạo huyết mạch giao thông mới chi viện cho chiến trường miền Nam.
Theo hồ sơ quân đội, đây được gọi là công trình quốc phòng 723 do Cục kiến thiết cơ bản, Bộ Quốc phòng triển khai tại địa bàn làng Đá Bạc, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Trong đó, sân bay dã chiến Libi, được gọi tên theo tên của một khe nước trong khu vực này, có lẽ đã được chuẩn bị cho các kế hoạch quân sự quan trọng khác mà cho đến nay vẫn còn đang trong vòng bí mật.
Đầu năm 1973, khi các cuộc đàm phán liên quan đến Hiệp định Paris vẫn đang diễn ra ở Pháp, thì trên chiến trường, các trận đánh vẫn liên tiếp diễn ra một cách ác liệt giữa quân đội hai bên, trong đó các hoạt động quân sự của phía miền Nam vẫn nhận được sự hậu thuẫn của không quân Mỹ.
Tuyến đường 22 vẫn là mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ và một thảm kịch chiến tranh đã xảy ra vào đêm ngày 7/1/1973, khi không quân Mỹ tiến hành một cuộc tập kích ác liệt vào sân bay dã chiến Libi, đưa đến thương vong rất lớn cho lực lượng miền Bắc.
Sân bay Libi, vốn được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực, chưa kịp xuất kích chuyến nào thì đã bị đánh phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom đạn rải xuống khu vực này. Cho đến nay, những tài liệu chính thức vẫn chưa được công bố, nhưng theo hồi ức của một số nhân chứng, thương vong của phía miền Bắc trong cuộc tập kích này là “rất lớn”.
Khát vọng tri ân
Trong quá trình xây dựng hồ Kẻ Gỗ, do triển khai quá nhanh và không khảo sát kỹ vùng sẽ thành lòng hồ trong đó có sân bay Libi, chiến trường ác liệt năm xưa cùng rất nhiều hài cốt bộ đội và thanh niên xung phong đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng hồ.
Theo người dân địa phương, năm 2005, sau khi có người đánh cá trong lòng hồ đã phát hiện ra những ngôi mộ hiện lên khi nước rút, chính quyền xã đã bắt đầu cho cất bốc, di dời một số ngôi mộ này ra khỏi lòng hồ.
Đến nay, hàng chục hài cốt đã được di dời về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ Cẩm Xuyên, nhưng có thể vẫn còn rất nhiều hài cốt mãi mãi nằm lại trong dòng nước. Khi nước rút, bằng mắt thường có thể nhìn thấy hàng trăm hố bom lớn nhỏ còn nguyên trong lòng hồ, thậm chí dấu vết đường bằng cũng có được nhìn thấy từ công cụ hình ảnh của Google.
Năm 2012, trong một tham quan hồ Kẻ Gỗ, một đoàn cán bộ của Sở Giao thông Vận tải TP. HCM đã cùng nhau quyên góp được một khoản tiền và giao hết lại cho Ban quản lý khu bảo tồn Kẻ Gỗ để lập điểm thờ cúng các anh hùng liệt sỹ ngay chính tại mặt trận năm xưa.
Ngôi miếu khiêm nhường hiện nay, nơi đang thờ cúng các anh hùng liệt sỹ.
Từ đây, một số hoạt động tưởng niệm, cầu an cho các anh hùng liệt sỹ đã được tiến hành thường xuyên hơn, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có quyết định công nhận đây là di tích lịch sử văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Sau hơn mười năm, các cán bộ của Ban quản lý Khu bảo tồn Kẻ Gỗ đã lặng lẽ tìm kiếm và kết nối, gặp gỡ nhiều nhân chứng, tạm thời có được danh sách 28 thanh niên xung phong và 32 liệt sỹ đã hy sinh tại mặt trận này, trong đó toàn bộ các liệt sỹ đã hy sinh đúng vào trận tập kích ngày 7/1/1973. Tuy nhiên, danh sách tạm thời này mới chỉ bao gồm các liệt sỹ có tuổi, có tên, rất có thể còn nhiều chiến sỹ chưa biết tên đã nằm lại mảnh đất này.
Trong nhiều năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ rất mong muốn có điều kiện xây sửa lại miếu thờ để việc tri ân các anh hùng liệt sỹ được đầy đủ, trang nghiêm hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này. Từ đề xuất đó, một nhóm các nhà hoạt động xã hội, nhà báo, doanh nghiệp đã dành thời gian, công sức để tiến hành một số công việc chuẩn bị.
Đến nay, Ban quản lý đã tiến hành khảo sát hiện trạng và thiết kế sơ bộ Khu tưởng niệm với kết cấu chính bao gồm đền thờ chính và các công trình phụ trợ, dự kiến được xây dựng trên cơ sở mở rộng diện tích và giữ lại nguyên trạng miếu thờ hiện có.
Ông Nguyễn Viết Ninh, Giám đốc Ban quản lý cho biết đây là một dự án tâm linh, được phát động, quản lý và điều hành bởi Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ trên cơ sở sự hỗ trợ, hợp tác của một số tổ chức, cá nhân. "Chúng tôi cam kết làm việc với tinh thần tự nguyện, nghiêm túc, trách nhiệm và minh bạch toàn bộ quá trình triển khai”, ông Ninh cho biết.
Nhóm vận động cho kế hoạch xây dựng Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ đã làm việc với một số doanh nghiệp, tổ chức để chia sẻ câu chuyện bi tráng ở sân bay Libi và bước đầu đã nhận được những khoản tài trợ đầu tiên cho kế hoạch này.
Mặc dù hiện nay cả nước đang đối mặt với đại dịch Covid nhưng các hoạt động chuẩn bị vẫn sẽ được nhóm tiến hành bình thường để có thể khởi công công trình vào dịp giỗ trận 7/1/2022 sắp tới.
Nguồn: vietnamfinance.vn