Quỹ VietnamFinance Foundation
Tạp chí Đầu tư tài chính (vietnamfinance.vn)
toasoan@vietnamfinance.vn0933428686
Thứ Sáu, 30 Tháng tư 2021 08:00

Để mặt trận Kẻ Gỗ không rơi vào quên lãng…

Viết bởi
Đánh giá bài này
(0 bình chọn)

QĐND Online - Kế hoạch xây dựng một ngôi đền thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ đã và đang được thúc đẩy để mặt trận này không rơi vào quên lãng…

Mặt trận bi tráng

Trong thời gian từ đầu năm 1971 đến đầu năm 1973, quân đội Mỹ - Ngụy đã tiến hành chiến dịch “Lam Sơn 719” với mục tiêu đánh thẳng vào căn cứ hậu cần của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đặt tại thị trấn Sepon trên đất Lào, qua đó tạo ưu thế trên bàn đàm phán. Để đối phó, phía miền Bắc đã liên tục chuyển quân, đạn dược, lương thực, thuốc men vào Nam. Và để phục vụ cho công việc này, một kế hoạch bí mật bao gồm xây dựng tuyến đường 21, 22 và sân bay dã chiến Libi tại khu vực lòng hồ Kẻ Gỗ ngày nay đã được tiến hành, trở thành một huyết mạch giao thông mới chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đường 22 được mở nối ngã ba Thình Thình chạy qua khu vực hồ Kẻ Gỗ vào Kỳ Thượng, qua Kỳ Lạc (Kỳ Anh) đến Quảng Bình, là công trình đã ghi dấu những chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ, lực lượng thanh niên xung phong. Trong khi đó, sân bay dã chiến Libi, được gọi tên theo tên của một khe nước trong khu vực này, có lẽ đã được chuẩn bị cho các kế hoạch quân sự quan trọng khác mà cho đến nay vẫn còn đang trong vòng bí mật. Để thực hiện các công trình này, hàng nghìn thanh niên xung phong đã được huy động.

Tuyến đường 22 đã trở thành mục tiêu đánh phá của không quân Mỹ và trong hồi ức của những người từng là thanh niên xung phong và bộ đội tại mặt trận này, có những trận đánh mà thương vong “dễ có đến cả trăm người, chưa kể có những đồng chí không còn tìm thấy xác". Đêm 7-1-1973, không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tập kích ác liệt vào sân bay dã chiến Libi. Sân bay Libi, vốn được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực, chưa kịp xuất kích chuyến nào thì đã bị đánh phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom đạn rải xuống khu vực này.

Cho đến nay, những tài liệu chính thức vẫn chưa được công bố, nhưng theo hồi ức của một số nhân chứng, thương vong của phía miền Bắc trong cuộc tập kích này là “rất lớn”.

Ngôi miếu khiêm nhường

Ngôi miếu khiêm nhường bên bờ hồ Kẻ Gỗ.

Để mặt trận không bị quên lãng

Những dấu tích của trận không kích sân bay Libi vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Có thể nhìn thấy hàng trăm hố bom lớn nhỏ trong khu vực này, thậm chí khi mực nước xuống thấp, có thể nhìn thấy dấu vết của đường băng cũ. Từ thời điểm xảy ra trận không kích đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, sân bay Libi đã không còn được sử dụng vì đã bị lộ.

Đáng tiếc là khi hòa bình lập lại, với mong muốn xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ nhanh nhất có thể để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, Nhà nước đã quyết định triển khai công trình này vào năm 1976, để rồi ba năm sau hoàn thành và bắt đầu tích nước. Chiến trường ác liệt năm xưa cùng rất nhiều hài cốt bộ đội và thanh niên xung phong, đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng hồ. Năm 2005, sau khi có người đánh cá trong lòng hồ phát hiện ra những ngôi mộ hiện lên khi nước rút, xã đã bắt đầu cho cất bốc, di dời số mộ này ra khỏi lòng hồ. Đến nay, xã Cẩm Mỹ và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cẩm Xuyên đã di dời được hàng chục hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Cẩm Xuyên, nhưng có thể vẫn còn rất nhiều hài cốt mãi mãi nằm lại trong dòng nước.
Để mặt trận Kẻ Gỗ không rơi vào quên lãng…

du khách dâng hương tại miếu thờ liệt sỹ tại Hồ kẻ gỗ

Một đoàn khách về dâng hương tại miếu thờ liệt sĩ hồ Kẻ Gỗ.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết, năm 2012, trong một lần tham quan hồ Kẻ Gỗ, một đoàn cán bộ của Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đã cùng nhau quyên góp được một khoản tiền nhỏ và giao lại cho Ban quản lý khu bảo tồn Kẻ Gỗ để lập một miếu nhỏ thờ cúng các anh hùng liệt sĩ ngay chính tại mặt trận năm xưa. Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã ký quyết định công nhận ngôi miếu này là di tích cấp tỉnh. Đến nay, ông Công và các cán bộ của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã tiến hành thu thập thông tin để có được danh sách 28 thanh niên xung phong và 32 liệt sĩ đã hy sinh tại mặt trận này, trong đó toàn bộ các liệt sĩ đã hy sinh đúng vào trận tập kích ngày 7-1-1973.
Để mặt trận Kẻ Gỗ không rơi vào quên lãng…

mãnh bom sót lại tại hồ kẻ gỗ sau bao năm chiến tranh qua đi

Một mảnh bom sót lại trong khu vực miếu thờ.

Ông Nguyễn Viết Ninh, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ thừa nhận, phần lớn những ai đến với khu vực sân bay đều cảm nhận được sự linh thiêng riêng có ở nơi này. Theo ông Ninh, mong muốn của Ban quản lý là có thể một ngày nào đó, có điều kiện xây sửa lại miếu thờ để việc tri ân các anh hùng liệt sĩ được đầy đủ, trang nghiêm hơn nữa, xứng đáng với tầm vóc lịch sử cũng như tính chất bi tráng của trận địa đặc biệt này. Rất mong, với thành ý của các cán bộ và nhân viên của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, sẽ có những người cùng chung tâm nguyện tìm về để chứng tích này không bao giờ đi vào quên lãng. Một website có địa chỉ tại www.hokego.vn cũng đã được xây dựng để chuẩn bị cho kế hoạch này trong thời gian tới.

Nguồn: QĐND

Xem 1360 lần

Gửi bình luận

Đảm bảo bạn nhập tất cả các thông tin bắt buộc, được biểu thị bằng dấu hoa thị (*). Mã HTML không được phép.